Cho ý kiến về 5 dự án luật
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ tiến hành xem xét, cho ý kiến về 5 dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Thư viện; Luật Giáo dục (sửa đổi). Đồng thời, UBTVQH cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước.
Cũng tại phiên họp, UBTVQH xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 – 2021; Xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn (Long Mỹ, Hậu Giang).
Ngay trong buổi sáng khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Trình bày sự cần thiết xây dựng dự án Luật này, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Luật KTNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, Luật KTNN bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Theo ông Hồ Đức Phớc, Luật KTNN được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của KTNN, của Tổng KTNN; đồng thời làm rõ và đầy đủ phạm vi, đơn vị được kiểm toán phù hợp với đối tượng kiểm toán theo quy định của Hiến pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, bảo đảm sự đồng bộ với các luật khác có liên quan.
Tổng KTNN có quyền xử phạt?
Một trong những quy định mới của dự thảo Luật là cho phép đối tượng bị kiểm toán có thể khiếu nại, kiện KTNN ra tòa. Đồng thời, dự thảo Luật cũng đề xuất trao thêm quyền cho Tổng KTNN, trong đó có quyền xử phạt. Đề xuất này đang có nhiều quan điểm khác nhau.
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Sáng 12/3, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề còn khác nhau của dự án Luật Kiến Trúc và Luật GD (sửa đổi). Buổi chiều, UBTVQH xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn (2019 - 2021) và xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn (Long Mỹ, Hậu Giang).
Liên quan đến đề xuất quy định về quyền khiếu nại và khởi kiện ra tòa của đối tượng bị kiểm toán, bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội bày tỏ đồng tình với đề xuất này. Tuy nhiên, theo bà Hải, Luật cần quy định cụ thể về vấn đề này. “Ví dụ khiếu nại cấp dưới của Tổng KTNN thì Tổng KTNN giải quyết, nhưng khiếu nại chính Tổng KTNN thì ai giải quyết?” - bà Hải nêu vấn đề.
Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến: Về nguyên tắc xử phạt hành chính, người vi phạm quy định về quản lý hành chính mà chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính. Với các đối tượng thuộc phạm vi đang kiểm toán, nếu họ vi phạm quy định về công vụ thì họ bị xử lý kỷ luật. Nếu họ đã bị xử lý kỷ luật rồi thì không bị xử phạt nữa vì mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt một lần.
Tại phiên làm việc, các thành viên UBTVQH cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN chưa có sự đồng thuận cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Do vậy cơ quan KTNN cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ lưỡng đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật này.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, KTNN cần nghiên cứu, rà soát lại các nội dung đề xuất sửa đổi bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW, cũng như thực tiễn 3 năm thực hiện Luật KTNN năm 2015. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, cần tránh tối đa sự trùng lắp, đảm bảo không phá vỡ sự thống nhất của hệ thống pháp luật và nghiên cứu thật kỹ để chỉ sửa đổi, bổ sung vào những nội dung thực sự cần thiết.