Phía sau người phụ nữ thành đạt

Phía sau người phụ nữ thành đạt

(GD&TĐ) - Xã hội ngày càng có nhiều người phụ nữ thành đạt trong mọi lĩnh vực xã hội. Họ đã chứng minh cho xã hội thấy rằng: Họ có năng lực, họ làm được những điều mà đàn ông đã làm. Thế nhưng, ít ai biết được đằng sau những thành công đó, họ đã phải đổi biết bao giọt nước mắt, bao nhiêu sự ganh ghét; thậm chí họ còn phải đánh đổi cả một gia đình mà họ hết mực yêu thương...

“Khoảng trống ” không gì bù đắp 

Phần đông những người phụ nữ thành đạt trong công việc đều không có được hạnh phúc trọn vẹn. Đằng sau sự năng động, quyết đoán trong công việc là những khoảng trống trong đời sống tình cảm...

Chị B.B.P làm việc trong ngành quảng cáo cực kỳ thành đạt. Khi tiếp xúc chuyện trò với chị, tôi luôn mồm khen chị hết lời là người tài giỏi, tháo vát trong công việc, chị chỉ mỉm cười và nói:  "Thì mình cũng chỉ biết có công việc, vì ngoài công việc ra mình không có bất kỳ thú vui nào khác. Thế rồi thời gian cứ trôi, hết cái tết này sang cái tết khác. "Chắc phải sống đời độc thân vui tính rồi. Nhìn thấy trẻ con vui đùa, nhiều lúc cũng thèm lắm!". 

Và trong những lúc "thèm lắm" đó, chị lại tìm quên trong công việc và lấy sự thành công trong công việc bù vào sự chông chênh của mình. Lắm lúc mỏi mệt sau một ngày làm việc cật lực, chị lại thấy mình chống chếnh và bất hạnh...

Có rất nhiều trường hợp trong xã hội, người phụ nữ là người có thu nhập chính trong gia đình, ở đó, họ vượt mặt mấy ông chồng của mình về sự nghiệp cũng như thu nhập. Cũng chính vì yếu tố này mà sóng gió trong gia đình hay nổi lên chỉ vì cái tôi trong người phụ nữ quá lớn, họ tỏ ra không mấy xem trọng người được xem là trụ cột trong gia đình vì vậy mà hạnh phúc rạn nứt từ những nguyên nhân đó.

"Thành đạt” đang là một trong những tiêu chuẩn đánh giá con người hiện đại.
"Thành đạt” đang là một trong những tiêu chuẩn đánh giá con người hiện đại. 

Hơn 10 năm trước chị chỉ là một cô sinh viên tỉnh lẻ bình thường, còn anh là một công chức ở một cơ quan hành chính. Một buổi chiều trời mưa, sau giờ tan học, đang lững thững ra bến xe buýt để về nhà trọ thì nghe tiếng anh gọi: "Cô gì ơi, trời sắp mưa to rồi đấy, về đâu tôi cho đi nhờ".

Nhìn người có vẻ tin tưởng vả lại trời sặp đổ một trận mưa rất to, chỉ vài giây lưỡng lự chị đồng ý lên xe anh chở về. Thế là họ quen nhau từ đó. Sáu tháng sau, đám cưới được tổ chức. Họ sống với nhau hòa thuận, hạnh phúc. Hai đứa con lần lượt ra đời. Cuộc sống dần trôi...

Anh vẫn cứ là một công chức bình thường, trong khi chị không ngừng thăng tiến trong nghề nghiệp. Từ một nhân viên, chị lên chức trưởng phòng, rồi được đi nước ngoài tu nghiệp, khi về nước thì được đề bạt chức phó giám đốc.

Môi trường làm việc khiến chị có điều kiện tiếp xúc với nhiều người đàn ông trí thức, có địa vị xã hội, lịch lãm, hào hoa, phong độ... So sánh chồng mình với những người đàn ông kia, chị thấy chồng quá thua kém.

Không biết tự bao giờ, chị bắt đầu cảm thấy chán chồng. Chị thấy anh không tương xứng với chị. Chị không muốn gặp gỡ chồng nhiều, không muốn chung đụng với chồng... Hết giờ làm việc ở công ty, chị không muốn trở về nhà. Càng ngày khoảng cách của họ càng xa, và chính chị cũng là người chủ động ly hôn.

Có quá nhiều trường hợp hạnh phúc gia đình tan vỡ cũng chỉ vì giữa vợ và chồng không tương xứng về đẳng cấp với nhau. Một khi họ đã có những suy nghĩ lệch lạc này thì tôi tin rằng gia đình ấy sẽ nhanh chóng đi vào kết cục buồn. 

Quỳnh và Toàn là một đôi vợ chồng trí thức. Người chồng đã ngoài 40 tuổi, là giáo sư của một trường ĐH có tiếng. Người vợ 35 tuổi, có chức vụ lớn ở công ty. Chị say mê với công việc và rất hay phải đi công tác...

Mục đích và ý nghĩa cuộc sống của chị chính là công việc, là sự thành công, thành đạt trong xã hội... Đó mới chính là điều quan trọng mà chị dồn hết tâm sức và thời gian cho nó. Gia đình và chồng con chỉ là thứ yếu.

Chị không có thời gian dành cho gia đình. Hiếm khi có một bữa cơm chung gia đình. Chị quên bổn phận chăm sóc chồng con và quên cả chuyện chăn gối... Chồng chị phải chịu đựng tất cả trong sự mệt mỏi. Thực chất cuộc sống gia đình của chị là như vậy, nhưng chị lại luôn luôn tìm mọi cách thể hiện cho người chung quanh thấy là gia đình chị đang hạnh phúc tràn trề!

Rồi chuyện gì phải đến cũng đã đến. Cả hai vợ chồng chị đã rất mệt mỏi với cuộc sống vợ chồng nhạt nhẽo. Họ không thể đóng kịch mãi và thế là họ ly hôn.

Nên cân bằng giữa công việc và gia đình

Có người cho rằng, dù ở xã hội nào đi nữa, thiên chức của người phụ nữ vẫn là người quan trọng nhất trong việc "xây tổ ấm”. Vì thế, làm sao để cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp là một điều hết sức cần thiết cho người phụ nữ đương thời. Dù để làm được điều này, họ đã phải đấu tranh rất nhiều, hy sinh không nhỏ.

Khi được hỏi những nữ doanh nhân muốn được chia sẻ điều gì nhất, thì tất cả doanh nhân nữ được hỏi đều có chung một thông điệp: mong muốn xã hội có thể hiểu và chia sẻ nhiều hơn nữa với sự lựa chọn của họ. Họ mong muốn nhận được sự ủng hộ và động viên của những ông chồng rất nhiều.

Phải chăng phía sau hay phía trước người phụ nữ thành đạt đều là nỗi cô đơn?
Nhưng phải chăng phía sau hay phía trước người phụ nữ thành đạt đều là nỗi cô đơn?

Đó thật sự là những mong muốn chung của phụ nữ thời hiện đại chứ không riêng gì những nữ doanh nhân. Cái thời người phụ nữ quanh quẩn trong xó bếp, với công việc thường thấy là giặt giũ, thổi cơm, quét nhà…đã qua lâu rồi.

Bởi vậy những người phụ nữ hiện nay, họ cũng đi làm, cũng gánh vác những công việc trọng trách nặng nề của xã hội với những áp lực lớn. Những nữ doanh nhân thành đạt trên thương trường, những nữ tiến sĩ thành công trong khoa học, những nữ nhà báo, những nữ văn nghệ sĩ nổi tiếng... bây giờ đã không còn là chuyện hiếm.

Họ là những người phụ nữ thành đạt, song họ vẫn luôn phải trăn trở, băn khoăn trước "bài toán" gia đình và sự nghiệp. Bởi không ít người phụ nữ thành đạt, công danh sự nghiệp rạng ngời mà con cái hư hỏng, nghiện ngập, gia đình thì lục đục…

Người ta thường ví vai trò của phụ nữ trong gia đình như “người giữ lửa trong nhà”, vì thế khi họ rời bỏ những công việc gia đình, chăm sóc con cái, họ cũng tự mình đánh mất vai trò ấy. Nhiều người chồng sau giờ làm việc không muốn trở về nhà ngay cũng một phần chỉ vì người vợ không còn là một người vợ, người mẹ trong gia đình đúng nghĩa nữa.

Thực tế đã cho thấy, tỉ lệ ly hôn hoặc không lập gia đình ở những phụ nữ thành đạt thường cao hơn những phụ nữ bình thường. Một nữ giám đốc đã nói: Người phụ nữ thành đạt phải biết cân bằng giữa công việc và gia đình.

Khi chưa lập gia đình, chị vẫn nghĩ vì sao phụ nữ cứ phải buộc chặt vào gia đình, bếp núc... Nhưng sau khi kết hôn, chị nhận ra rằng người phụ nữ dù có thành đạt đến đâu, có chức vụ cao đến mấy thì vẫn không thể xem là thành đạt nếu gia đình họ không hạnh phúc, êm ấm, không có bữa cơm ngon, con cái không được chăm sóc tốt....

Những phụ nữ suốt ngày bận rộn với công việc, sự nghiệp, ít có thời gian chăm sóc cho gia đình, thật sự họ không muốn chút nào. Thế nhưng, vì một lẽ nào đó, họ vẫn phải cương quyết để thành công thì sẽ có lúc, họ sẽ không thể làm trọn nghĩa vụ một người vợ, người mẹ, các ông chông cùng gia đình nên thông cảm và chia sẻ, đừng vì thế mà lạnh nhạt với họ.

Các ông chồng hãy chia sẻ công việc nhà và chăm sóc con cái với vợ của mình khi cô ấy bận công việc hay đi công tác. Khi người chồng là doanh nhân, anh không muốn vợ mình chỉ là cô Tấm nhỏ hiền nép mình bên khung cửi mà cần người phụ nữ như điểm tựa cuộc đời.

Vì thế, khi phụ nữ tham gia gánh vác các trọng trách trong xã hội, họ cần hơn ai hết người chồng là điểm tựa vững chắc cho cuộc đời họ. Phụ nữ phải rất dũng cảm khi lựa chọn sự nghiệp cho mình nhưng họ vẫn là những phụ nữ bình thường với những nỗi lo rất đàn bà, và trong nhiều trường hợp họ không thể vượt qua được nếu không có sự chia sẻ và đồng cảm của những người đàn ông họ tin tưởng. 

Phương Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ