Mặt nạ hạnh phúc
“Tôi yêu anh từ năm 2002 - 2004 thì cưới, học đại học cùng em gái anh tôi, từng chứng kiến anh đánh em gái mình. Thậm chí cô ấy đã khuyên tôi: Anh tớ hay đánh em. Anh tớ không tốt, cậu không nên yêu và can tôi đừng làm đám cưới. Anh học rất giỏi ở Học viện Quân sự khiến tôi cảm phục. Tôi ngộ nhận rằng tình yêu có thể thay đổi tâm tính con người, chồng chỉ đánh em gái chứ không đánh mình nên đã yêu đến cùng và kết hôn.
Đã biết chồng vũ phu mà còn yêu, còn lấy nên giờ chồng đánh ngày, đánh đêm, ghen tuông vô cớ nhưng sợ mang tiếng cả gia đình và ảnh hưởng đến công việc nên tôi câm nín. Tôi đã bao lần phải che đậy, giấu giếm về những vết bầm dập, thâm tím trên người…” - chị N,T.T sinh năm 1980, Tiến sĩ, giảng viên ĐH (Nam Định) chia sẻ.
“Trước khi kết hôn tôi đã biết nhà anh vợ nọ con kia, anh chị em không quan tâm đến nhau nhưng nghĩ mình có thể thay đổi được chồng. Khi yêu, anh đã đánh chửi tôi rồi quay ra xin lỗi, âu yếm. Tính anh không để bụng, không chấp vặt nên tôi nghĩ: Thôi cứ dần dần rồi thay đổi anh. Nhưng rồi mọi việc không như vậy. Các con tôi thường xuyên phải chứng kiến cảnh bạo lực tình dục của anh đối với tôi.
Con trai lớn có lần phản ứng gay gắt: “Bố làm thế mà được à?”, anh ấy trả lời: “Vợ tao thì tao được ngủ”. Thậm chí có lần chồng đòi quan hệ, tôi không đồng ý, anh lột trần tôi ra rồi bật đèn lên bất chấp sự có mặt của con.
Tôi bảo: Anh không thấy con anh đang nhìn à? Anh nói: Tao đẻ ra nó thì nó nhìn có làm sao…” - chị M.T. H 48 tuổi, kinh doanh (Đông Anh - Hà Nội) kể trong nước mắt đau đớn.
Đó chỉ là một vài câu chuyện ẩn khuất của tảng băng chìm nhức nhối về vấn đề BLGĐ hiện nay. Theo số liệu mà Bảo tàng Phụ nữ VN đưa ra, trung bình một năm cả nước xảy ra 31.599 vụ BLGĐ. Riêng năm 2012 xảy ra tới 50.766 vụ, gấp hơn 1,5 lần con số bình quân hàng năm. Trong đó, 14.017 trường hợp bị BLGĐ là người cao tuổi, 17.586 là trẻ em.
Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao, từ 1/7/2008 - 30/9/2017, trong số 1.220.163 vụ ly hôn tòa đã giải quyết, có 1.050.687 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình.
Phá bỏ sự im lặng
Các không gian trưng bày sắp đặt mang chủ đề bạo lực gia đình. |
Trong những năm qua, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức 3 cuộc triển lãm về chủ đề BLGĐ. Chúng tôi vừa khai mạc triển lãm “Phía sau cánh cửa” để đưa ra cho công chúng cái nhìn đáng suy ngẫm từ những câu chuyện đau lòng về BLGĐ nhằm gửi đi thông điệp “Hãy nói ra, phá bỏ sự im lặng, khi bạo lực diễn ra một lần nó sẽ tiếp tục diễn ra”.
Chính nhận thức sai lầm coi bạo lực là chuyện riêng của mỗi gia đình là chuyện “xấu chàng hổ ai”, vì nỗi sợ “vạch áo cho người xem lưng” nên nhiều nạn nhân không dám lên tiếng tố cáo khiến bạo lực vẫn không ngừng gia tăng…”, bà Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhận xét.
Thực trạng “mất kiểm soát” số liệu thống kê về BLGĐ hiện nay chủ yếu do ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến công tác gia đình của một bộ phận người dân chưa cao. Đồng thời do tâm lý e ngại, giữ thể diện của bản thân và gia đình nên khi có BLGĐ đa phần nạn nhân là phụ nữ thường chịu đựng chứ không tố giác với chính quyền.
Chị Phương Hoa, thành viên của nhóm nghiên cứu thực hiện triển lãm “Phía sau cánh cửa” cho biết: Điều khiến tôi ngạc nhiên, không phải chỉ những gia đình nghèo, đông con, vùng khó khăn, dân trí thấp dẫn đến mâu thuẫn, BLGĐ mà giờ đây tình trạng này xảy ra ở nhiều gia đình trí thức, nguyên nhân thì muôn hình vạn trạng.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã nghiên cứu hơn 60 trường hợp bị bạo lực gia đình, trong đó một nửa là các ca được cung cấp từ “Ngôi nhà bình yên” của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam. Hơn 60 trường hợp chúng tôi tiếp cận, nạn nhân đa phần là phụ nữ.
Số nạn nhân BLGĐ bị bạo lực từ chồng chiếm tỉ lệ cao, bị bạo lực nhiều năm do im lặng chịu đựng. Nạn nhân bị bạo lực ở thế hệ 8X, 9X chiếm 61%; đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, thạc sĩ chiếm 85%. Trong đó, hình thức bạo lực thể chất chiếm 98%, bạo lực tinh thần chiếm 100%, bạo lực tình dục chiếm 31%.
Thế nhưng, trong số 60 “người trong cuộc” chỉ có 20 nạn nhân đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình, thậm chí có người đồng ý nhưng sau đó lại từ chối không tham gia. Trong số 20 nạn nhân đồng ý chia sẻ thì chỉ có 7 người cho ghi âm, chụp ảnh và cho phép nhóm nghiên cứu sử dụng thông tin nhưng yêu cầu xử lý hình ảnh và giữ bí mật danh tính.
Chị Phương Hoa nhấn mạnh: Lý do chính là họ sợ các câu chuyện công khai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc và con cái của mình, của chồng mình-dù đó cũng là “thủ phạm” khiến cuộc sống của họ điêu đứng. Đây là rào cản, là trở lực ẩn sâu phía dưới tảng băng, là mối nguy hiểm tiềm tàng khó mà lấp đầy khoảng trống bình đẳng giới.
Nhiều vụ việc BLGĐ được trình báo đã không được quan tâm giải quyết rốt ráo. Các quy định pháp luật còn những “kẽ hở” khiến nhiều nạn nhân của BLGĐ chưa thật sự tin tưởng vào sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Tình trạng che giấu hành vi vi phạm luật thường xuyên diễn ra khiến cho việc can thiệp chấm dứt bạo lực và hỗ trợ nạn nhân trở nên khó khăn. Tình cảnh bị BLGĐ thường xuyên suốt thời gian dài khiến chị N.T.T và M.T.H kiệt quệ về thể lực lẫn tinh thần, đến khi hậu quả đặc biệt nghiêm trọng họ mới báo chính quyền địa phương.
Họ chỉ là hai trong số hơn một nghìn nạn nhân đã kêu cứu và được hỗ trợ tạm lánh trong “Ngôi nhà bình yên” của Hội LHPN Việt Nam.
Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng ban GD&XH - Hội LHPNVN: Bạo lực giữa chồng và vợ xảy ra, phần lớn do người đàn ông nhận thức sai lầm về vị trí, vai trò của mình trong gia đình, cho rằng mình có quyền phán xét, giáo dục vợ.
Nếu làm trái ý chồng hoặc không thực hiện theo mệnh lệnh, người vợ có thể bị mắng chửi, đánh đập. Về phía mình, người phụ nữ cũng không xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của bản thân đối với chồng, gia đình nhà chồng, tự hạ thấp giá trị mà không biết vận dụng quyền dân chủ của mình.
Lý do căn bản nhất là do họ thiếu kiến thức về bình đẳng giới, nhận thức sai lệch về “một điều nhịn là chín điều lành”. Các hình thức bạo lực ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. BLGĐ “dữ dội, ồn ào” ở các gia đình có mức sống bình dân và “âm thầm, lặng lẽ” trong các gia đình trí thức.
“BLGĐ không còn là gánh nặng của mỗi gia đình mà trở thành vấn đề nhức nhối cản trở sự phát triển của xã hội. Nỗi đau sẽ bị nhân lên chính bởi sự im lặng của những người trong cuộc, cũng như của nhiều người trong xã hội.
Giới và bình đẳng giới thực chất là gì khi chúng ta đứng lên kêu gọi nhưng chính người phụ nữ không dám, chưa dám lên tiếng để bảo vệ chính cuộc sống của mình?”, bà Tuyết Mai nêu câu hỏi.