Phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lên đến 140.000 đồng/lượt

Phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lên đến 140.000 đồng/lượt

(GD&TD)- Ngày 9/11, trong buổi họp báo thông xe kỹ thuật giai đoạn 1 Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: giai đoạn đầu vẫn tiến hành thu phí theo lượt, với 5 mức phí cho các loại xe khác nhau, mức cao nhất lên tới 140.000 đồng/lượt.

Ngày 13/11 tới,
Ngày 13/11 tới, thông xe kỹ thuật giai đoạn 1 đoạn Cầu Giẽ - Quốc lộ 21 (ảnh MH)

Theo đó, lễ thông xe kỹ thuật giai đoạn 1 đoạn Cầu Giẽ - Quốc lộ 21 sẽ diễn ra vào ngày 13/11 tới. Dự kiến đến tháng 10/2012 sẽ hoàn thiện toàn bộ dự án.

Ngay sau khi thông xe, việc thu phí của các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này cũng sẽ được tiến hành. Trong quyết định phê duyệt đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, tuyến đường Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ thu phí theo phương thức thu kín, nghĩa là phương tiện khi vào đường được phát thẻ, khi ra khỏi đường sẽ trả tiền theo số ki-lô-mét thực đi.

Các phương tiện được lưu thông trên Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: Ô tô con, ô tô khách, xe tải, xe công-ten-nơ từ 20 đến 40 feet.

Các phương tiện không được lưu thông: Xe gắn máy chuyên dùng có tốc độ dưới 70km/giờ, máy kéo, xe mô tô hai bánh và ba bánh, xe gắn máy, xe máy thi công tự hành, xe bánh xích, xe thô sơ, người đi bộ, súc vật, xe chở vật liệu cháy nổ hoặc quá khổ quá tải.

Tốc độ tối đa trong giai đoạn khai thác tạm là 80km/giờ, tối thiểu là 60km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các xe là 80m.

Hiện tại, do một số hạng mục chưa hoàn thiện kết nối nên trong giai đoạn khai thác tạm 23km đầu tiên, chủ đầu tư sẽ tổ chức thu phí mở theo lượt. Mức thu cụ thể cho một phương tiện, đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt thu 30 nghìn đồng/lượt; xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải trên 2 tấn đến dưới 4 tấn thu 35 nghìn đồng/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải trên 4 tấn đến dưới 10 tấn thu 45 nghìn đồng/lượt; xe tải trên 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe công-ten-nơ 20 feet thu 70 nghìn đồng/lượt; xe tải từ 18 tấn trở lên và xe công-ten-nơ 40 feet thu 140 nghìn đồng/lượt.

Có thể thấy mức thu phí này cao hơn nhiều lần so với phí đường bộ trên tuyến quốc lộ hiện nay, chỉ 10 nghìn đồng/lượt đối với xe dưới 12 ghế ngồi, trạm BOT thu cao gấp 2 – 2,5 lần. Mặc dù vậy, theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC, Đường cao tốc không phải là tuyến đường độc đạo, người dân hoàn toàn có thể lựa chọn đi Đường cao tốc hoặc theo Quốc lộ 1A.

Mức thu phí này theo tính toán của VEC chưa đủ để hoàn vốn, phương án đang được xem xét cho toàn tuyến là khoảng 2.500 đồng/1km/1CPU (phương tiện giao thông quy đổi), ngoài ra còn cần có thêm sự hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam cho biết: “Việc thu phí đoạn đường này sẽ giúp đảm bảo năng lực tài chính và giảm bớt gánh nặng, áp lực trong việc huy động vốn cho các dự án đang thực hiện.”

Hải Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.