Theo đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức đại diện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các thành viên khác tự nguyện tham gia, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức thành viên, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển phong trào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, góp phần ổn định chính trị, an sinh xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức thành viên trong quan hệ với các tổ chức quốc tế.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được gia nhập làm thành viên của các tổ chức tương ứng trong khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật.
Chức năng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; phối hợp với các Bộ, Ngành xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể; xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực trong các lĩnh vực, các ngành, các khu vực và tổng kết, nhân diện rộng; thực hiện các chương trình, dự án, dịch vụ công hỗ trợ phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được giao; hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ cần thiết cho sự hình thành và phát triển của kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã và các thành viên...
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ công, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ cho các thành viên về pháp lý, đầu tư, khoa học - công nghệ, thông tin, tài chính, tín dụng, thị trường, kiểm toán, bảo hiểm, kiểm định chất lượng hàng hóa và các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các tổ chức xã hội khác trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; triển khai các chương trình, dự án phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Đồng thời, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của các thành viên để đề xuất với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã;...
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam gồm: 1- Đại hội toàn quốc; 2- Ban Chấp hành; 3- Ban Thường vụ; 4- Ủy ban Kiểm tra; 5- Văn phòng, các ban chuyên môn; 6- Các pháp nhân trực thuộc.
Trong đó, Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đại hội gồm đại hội thường kỳ và đại hội bất thường.
Đại hội thường kỳ được tổ chức 5 năm một lần, do Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triệu tập. Đại hội bất thường được triệu tập khi có ít nhất 2/3 tổng số Ủy viên Ban Chấp hành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị.