Phê duyệt Đề án 599: Sự nối tiếp hoàn chỉnh của đề án 322

Phê duyệt Đề án 599: Sự nối tiếp hoàn chỉnh của đề án 322
(GD&TĐ) - Đề án “Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2020”, thay thế Đề án 322 đã được Thủ tướng phê duyệt. Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Xuân Vang – Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài Bộ GD&ĐT, đơn vị chủ trì xây dựng đề án cho biết:
Cục trưởng Cục ĐTVNN (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Vang
Cục trưởng Nguyễn Xuân Vang
Mục tiêu của Đề án 599 là đào tạo chất lượng cao ở nước ngoài trình độ thạc sĩ đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, cán bộ các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ, các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước; trình độ đại học đối với các tài năng trẻ thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học và công nghệ trọng điểm, các lĩnh vực năng khiếu đặc biệt.
Tổng quy mô tuyển sinh đào tạo theo Đề án dự kiến khoảng 1.800 người.
Trong đó, đào tạo khoảng 1.650 người có trình độ thạc sĩ (từ năm 2013 đến năm 2017 tuyển sinh bình quân khoảng 330 người/1 năm), trong đó chỉ tiêu tuyển sinh dành cho đối tượng giảng viên các cơ sở giáo dục đại học chiếm khoảng 60%;
Đối tượng thuộc các ngành quân đội và công an chiếm khoảng 10% và đối tượng thuộc các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ, các Bộ, ngành, cơ quan khác của nhà nước chiếm khoảng 30%; đào tạo khoảng 150 người có trình độ đại học (từ năm 2013 đến năm 2017 tuyển sinh bình quân khoảng 30 người/1 năm).
Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình, khả năng thực tế có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm về quy mô đào tạo của Đề án.
Đề án 599 ưu tiên đào tạo trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật, kinh tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường, quản lý công, khoa học xã hội và nhân văn, nhất là đối với các ngành nghề mà trong nước chưa có điều kiện đào tạo, thuộc lĩnh vực đặc thù, lĩnh vực có nhu cầu cao. Dự kiến tổng kinh phí chi toàn bộ Đề án khoảng 2.070 tỉ đồng.
Đề án 599 có khác biệt gì so với Đề án 322 thưa ông? 
- Đề án 599 là sự nối tiếp hoàn chỉnh của đề án 322 và bổ sung cho các đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, tập trung vào các đối tượng mà các đề án khác không có.
Đề án 599 cũng khắc phục được những hạn chế của Đề án 322 với yêu cầu cam kết đi liền với bảo lãnh tài chính. Người đi học không về đơn vị cử đi học công tác hay đơn vị cử người đi học không dùng học viên khi họ trở về đều phải trả lại tiền ngân sách đã bỏ ra. 
Với quy định này, các cơ sở phải tuyển chọn thật kỹ và phải có cam kết với nhà nước. Bộ GD&ĐT được Thủ tướng giao trách nhiệm giám sát, theo dõi việc sử dụng những người đã thụ hưởng học bổng ngân sách nhà nước..
Điểm nữa là, Đề án 599 chỉ tập trung đào tạo các ngành nghề mà trong nước chưa có điều kiện đào tạo, thuộc lĩnh vực đặc thù, lĩnh vực có nhu cầu cao về cán bộ khoa học có trình độ cao. Những ngành nghề trong nước có khả năng đào tạo tốt rồi thì sẽ không gửi đi học ở nước ngoài
Có thể thấy, đối tượng của Đề án này được “khoanh vùng” hẹp hơn. Cụ thể, đào tạo đại học ghi rõ là đối với học sinh đạt giải Olympic quốc tế, học sinh có năng khiếu đặc biệt trong một số lĩnh vực, ngành nghề đặc thù theo nhu cầu nhân lực trình độ cao. Mỗi năm, nước ta có chưa đến 20 em đoạt giải Olympic quốc tế các môn thì với định mức 30 suất học bổng ĐH/năm là dự trù hợp lý. 
Đề án cũng ghi rõ ưu tiên gửi cán bộ đi đào tạo tại các nước và vùng lãnh thổ: Anh, Ca-na-đa, Đức, Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, Xinh-ga-po và một số nước khác có thế mạnh về lĩnh vực đào tạo; đồng thời, ưu tiên gửi đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo có chất lượng tốt của nước ngoài và đã ký thỏa thuận với Bộ GD&ĐT Việt Nam về việc hỗ trợ kinh phí cho lưu học sinh Việt Nam.
Đề án này có mối liên hệ nào với Đề án 911 đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 mới được triển khai?
- Chủ trương của Bộ GD&ĐT là Đề án 599 sẽ tạo nguồn giảng viên chất lượng cao trình độ thạc sĩ ở nước ngoài và để nâng cao chất lượng đầu vào cho đề án 911.
Khi nào Đề án 599 sẽ chính thức được triển khai, thưa ông?
- Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với Bộ Tài chính về kế hoạch ngân sách để trình Chính phủ. Đề án sẽ thực hiện tuyển sinh ngay sau được Quốc hội phê duyệt mức ngân sách cho Đề án.
Tuy nhiên, trước khi đề án được phê duyệt, tháng 1/2013 Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư quy định rất rõ các tiêu chí tuyển chọn, điều kiện để đi học ở nước ngoài theo các chương trình học bổng khác nhau, trong đó có học bổng ngân sách nhà nước. Còn khi chính thức triển khai, Bộ sẽ ban hành các thông báo tuyển sinh nêu rõ các điều kiện và tiêu chí cụ thể.
Trong khi chờ đợi triển khai thực hiện Đề án, các ứng viên nên tập trung học tập ngoại ngữ, nghiên cứu phân tích nhu cầu công việc của cơ quan trong bối cảnh chung của đất nước để lập kế hoạch học tập nghiên cứu cho phù hợp.
Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn thực hiện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.