Theo Thông cáo báo chí về công tác nhân sự tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 7/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, nghe Tờ trình của Chính phủ, ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan liên quan, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để thống nhất trình Quốc hội xem xét, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Thanh Long thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long do “Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm” (theo khoản 2, Điều 7 Hiến pháp 2013; khoản 2, Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội 2014).
Sau đó, Quốc hội đã họp riêng biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, bổ sung nội dung công tác nhân sự về việc xem xét, bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021- 2026 đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình số 04/TTr-UBTVQH15- ngày 07/6/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bãi nhiệm ông Nguyễn Thanh Long, đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long; nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Tờ trình số 30/TTr-TTg ngày 6/6/2022 về việc phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Theo đó, việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV và cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021- 2026 đối với ông Nguyễn Thanh Long được căn cứ theo Điều 7, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Điều 22, Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014; Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 06/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Sau đó, Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về công tác nhân sự. Tiếp theo, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và kết quả phiếu xin ý kiến về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành thủ tục bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Thanh Long và phê chuẩn đề nghị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thanh Long bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả kiểm phiếu như sau:
Về bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Thanh Long thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: có 473 đại biểu tán thành (bằng 94,79% tổng số ĐBQH); có 6 đại biểu không tán thành (bằng 1,20% tổng số ĐBQH).
Về cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thanh Long: có 471 đại biểu tán thành (bằng 94,39% tổng số ĐBQH); có 8 đại biểu không tán thành (bằng 1,60% tổng số ĐBQH).
Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Thanh Long thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua các Nghị quyết này bằng hình thức điện tử, kết quả như sau:
Nghị quyết của Quốc hội về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Thanh Long, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, có: 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 90,98% tổng số ĐBQH); trong đó, có 449 đại biểu tán thành (bằng 89,98% tổng số ĐBQH); có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,40% tổng số ĐBQH); có 03 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,60% tổng số ĐBQH).
Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách chức đối với Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026, có: 451 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 90,38% tổng số ĐBQH); trong đó, có 444 đại biểu tán thành (bằng 88,98% tổng số ĐBQH); có 2 đại biểu không tán thành (bằng 0,40% tổng số ĐBQH); có 5 đại biểu không biểu quyết (bằng 1,00% tổng số ĐBQH).