Kết quả tạm thời cho thấy đảng Nhân dân châu Âu (EPP), Liên minh Tiến bộ xã hội và Dân chủ (S&D) cùng có nhiều ghế nhất, tuy nhiên không đủ cho đa số ghế kết hợp. Trong khi đó các đảng Xanh, Tự do và các đảng cực hữu ở các quốc gia như Pháp, Italy… có sự trỗi dậy mạnh mẽ.
Theo số liệu sơ bộ từ tất cả 28 quốc gia thành viên, tỷ lệ cử tri đi bầu ở mức 50,5% - mức cao nhất từ trước tới nay, phá vỡ xu hướng số cử tri giảm dần từ lần đầu tiên tổ chức năm 1979. Lần gần đây nhất, người châu Âu bỏ phiếu là năm 2014, với tỷ lệ đi bầu là 42,6%.
Thường được các cử tri xem là những cuộc bầu cử “hạng hai” để trút sự thất vọng với chính phủ của mình, cuộc bầu cử nghị viện lần này đã tạo ra một sự bất thường trong bối cảnh các đảng cực hữu có những bước tiến lớn.
Theo các cuộc thăm dò khác nhau, tại Pháp, đảng Marine Le Pens có thể đạt được khoảng 24% số phiếu, đánh bại đảng của TT Pháp Macron được dự kiến chiếm khoảng 22% số phiếu.
Tại Hungary, đảng của Thủ tướng Viktor Orban đã sẵn sàng giành được chiến thắng vững chắc khi nhận được sự ủng hộ của khoảng 56% cử tri.
Có thể thấy các cử tri châu Âu đã lên tiếng, nhưng không phải với một tiếng nói đồng nhất. Tuy nhiên, có một thông điệp rõ ràng được đưa ra rằng châu Âu phải cải cách nếu muốn tồn tại, nhưng cải cách như thế nào lại là một vấn đề tranh cãi lớn.