Sau khi nhập viện, bé nhanh chóng được chụp cộng hưởng từ (MRI) tim mạch để xác định khối u. Đặc biệt, với bệnh lý u cơ tim rất hiếm gặp như của bé, việc chụp cộng hưởng từ tim là hết sức cần thiết, giúp cho các bác sĩ nhìn nhận và đánh giá chính xác hơn về khối u, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp cho bé.
ThS BS. Cao Đằng Khang - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện ĐH Y Dược cho biết: “Bệnh u cơ tim là bệnh tim mạch hiếm gặp. Tại Việt Nam chỉ ghi nhận vài trường hợp trẻ mắc phải bệnh lý này được điều trị.
Khối u rất lớn được lấy ra cho bệnh nhi. (Ảnh : BVCC). |
Trường hợp của bé L.B.P có khối u rất lớn, chiếm gần hết buồng tim thất phải, kích thước 7x4x3.5 cm, gây hẹp nặng, cản trở máu lên phổi.
Khi máu lên phổi để trao đổi ôxy giảm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé. Ngoài ra, bé có thể bị loạn nhịp tim, gây tử vong đột ngột. Do đó, để tránh các trường hợp nguy hiểm xảy ra cho bé thì hướng điều trị là phải phẫu thuật để cắt bỏ khối u trong tim".
Sau hơn 4 giờ phẫu thuật, toàn bộ khối u đã được lấy ra khỏi tim. Phần buồng tim còn lại đã được sửa chữa để đảm bảo chức năng tim được bình thường.
Các bác sĩ rất bất ngờ vì bé có thể sống được với khối u lớn như vậy và cũng may mắn là kết quả xét nghiệm mô học cho thấy đây là u sợi lành tính. Như vậy, bé sẽ hoàn toàn bình phục với trái tim khỏe mạnh.
BS. Khang cho biết thêm: “Hiện nay, với trang thiết bị hiện đại và trình độ chuyên môn của các bác sĩ, đa số bệnh lý tim bẩm sinh nguy hiểm có thể phát hiện sớm trong giai đoạn bào thai, giúp lên kế hoạch điều trị ngay sau sinh. Do đó, việc tầm soát tim thai là rất cần thiết.
Hiện nay, Bệnh viện ĐH Y Dược có đơn vị chẩn đoán trước sinh, siêu âm tim thai, đơn vị can thiệp và phẫu thuật tim cho trẻ sơ sinh nhằm điều trị cho các bé mắc bệnh tim bẩm sinh cần can thiệp sớm ngay khi sinh.
Để chữa trị thành công cho bé, ngoài sự cố gắng tập thể các y bác sĩ và gia đình bệnh nhi, còn có sự đóng góp thầm lặng của các nhà hảo tâm.