Phẫu thuật thành công cho trẻ 5 tuổi mắc u tai giữa bẩm sinh

GD&TĐ - Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa phẫu thuật nội soi điều trị u tai giữa bẩm sinh (Cholesteatoma) cho một bệnh nhi 5 tuổi.

Hình ảnh khối u tai của bệnh nhi 5 tuổi trên phim chụp cắt lớp vi tính. (Ảnh: BVCC)
Hình ảnh khối u tai của bệnh nhi 5 tuổi trên phim chụp cắt lớp vi tính. (Ảnh: BVCC)

Bệnh nhi là N.X.P.H. (5 tuổi) ở thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà.

Gia đình cho biết, cháu H. ở nhà đau nhức tai nhẹ, đi khám nội soi tai mũi họng tại Trung tâm Y tế huyện Hải Hà bất ngờ phát hiện khối trắng đục như hạt ngọc trai nằm trong tai phải.

Trước đó bé chưa từng bị viêm tai giữa, chảy mủ tai hay can thiệp tai giữa.

Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn từ xa với bác sĩ Tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc Cholesteatoma tai giữa phải và chuyển viện tỉnh phẫu thuật nội soi lấy khối u.

Tại đây, bệnh nhi H. được chụp cắt lớp vi tính xương thái dương, thấy hình ảnh khối u vị trí mặt trong chuỗi xương con. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc Cholesteatoma bẩm sinh.

Đây là bệnh lý hiếm gặp, có thể gây biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến chức năng nghe nếu không được phẫu thuật điều trị kịp thời.

Kíp mổ do BSCKI Phạm Quang Huy, chuyên gia phụ trách phẫu thuật tai của bệnh viện cùng các cộng sự thực hiện.

Các bác sĩ tiến hành bóc tách vạt da ống tai ngoài và màng nhĩ, lấy khối u ra khỏi hòm nhĩ và khôi phục lại phẫu trường.

Sau 1 giờ phẫu thuật, khối Cholesteatoma được lấy sạch hoàn toàn. Bệnh nhi hồi phục tốt, không đau đầu chóng mặt, không chảy máu, không sốt, ăn uống tốt.

Choleateatoma là loại u biểu bì sừng hóa, mềm, màu trắng ngà có thể nằm lạc chỗ trong tai giữa hoặc ở bất cứ vị trí nào trong xương thái dương.

Cholesteatoma bẩm sinh ở trẻ em là bệnh lý rất hiếm gặp, với tỉ lệ 0.12/100.000 trẻ. Bệnh gặp ở trẻ nam nhiều gấp 2 - 3 lần trẻ nữ.

Bệnh lý này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nặng. Bởi khối u có khả năng ăn mòn, phá hủy các thành phần của tai giữa, xương thái dương và các cấu trúc lân cận.

Do vậy, dễ gây các biến chứng nguy hiểm, như: Ảnh hưởng đến chức năng nghe - nói, gây điếc, liệt dây thần kinh mặt, rò ống bán khuyên, thậm chí là các biến chứng nội sọ: Viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên.

BSCKI Phạm Quang Huy cho biết: “Cholesteatoma bẩm sinh ở trẻ có dấu hiệu kín đáo, khó phát hiện và dễ bỏ sót”.

Theo bác sĩ Huy, phát hiện càng sớm thì điều trị càng thuận lợi, tránh nguy cơ phải mở rộng trong phẫu thuật và những biến chứng nguy hiểm của bệnh, như: Phá hủy chuỗi xương con, thậm chí ăn mòn xương trong hòm nhĩ, suy giảm chức năng nghe của trẻ.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh Cholesteatoma. Với xu hướng ít xâm lấn ngày càng phát triển, phẫu thuật nội soi lấy u Cholesteatoma hiện là phương pháp phổ biến, được áp dụng trên toàn thế giới với nhiều ưu điểm vượt trội: Can thiệp tối thiểu giúp trẻ ít đau đớn, phục hồi nhanh.

Tỷ lệ thành công của phương pháp này cao, bảo tồn tốt hệ thống chuỗi xương con đảm bảo sức nghe cho bệnh nhân.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở tai của trẻ, phụ huynh cần đưa bé tới thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Từ đó, được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng nề về sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ