Phẫu thuật robot điều trị ung thư đại tràng cho cụ bà 89 tuổi

GD&TĐ - Cụ bà 89 tuổi, nặng 34kg được phẫu thuật robot cắt khối u đại tràng bên phải cùng các hạch ung thư. 

Cụ Q. xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 10.
Cụ Q. xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 10.

Ngày 15/10, thông tin từ Bệnh viện Bình Dân, các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hóa vừa phẫu thuật robot cắt khối u đại tràng bên phải cùng các hạch ung thư cho cụ bà N.T.Q. (89 tuổi, ngụ TPHCM).

Từ cuối năm 2016 đến nay, cụ Q. là bệnh nhân cao tuổi nhất trong số gần 3.000 trường hợp phẫu thuật robot được thực hiện tại Bệnh viện Bình Dân từ khi triển khai phẫu thuật robot cho người lớn.

Khai thác bệnh sử, trước đó, cụ Q. có dấu hiệu đi tiêu phân đen, đau âm ỉ vùng bụng bên phải, được người nhà đưa đến một cơ sở y tế tại TPHCM thăm khám.

Hình ảnh CT-scan bụng ghi nhận cụ Q. có khối u đại tràng phải cùng nhiều hạch lan xung quanh.

Kết quả sinh thiết sau nội soi xác định đây là khối ung thư. Tình trạng bệnh khiến cụ Q. ăn uống kém, thiếu máu, cơ thể ngày càng suy mòn và sụt cân.

Cụ Q. bị rối loạn nhịp tim nên việc phẫu thuật gặp nhiều khó khăn. Cụ Q. xuất viện về nhà, 2 tuần lại nhập viện truyền máu.

1000099258-5896.jpg
Robot phẫu thuật cho phép các bác sĩ tái lập lưu thông đường tiêu hóa ngay trong một thì mổ.

BS.CKII Nguyễn Phú Hữu - Phó khoa Ngoại Tiêu hóa - Bệnh viện Bình Dân, cho biết, trường hợp của bệnh nhân Q. có thể phẫu thuật robot để điều trị ung thư đại tràng, xâm lấn tối thiểu, ít đau, mau hồi phục.

Theo BS Hữu, một trong số những điều lo ngại của người thân cụ Q. là sau thời gian có bệnh, thể trạng của cụ rất yếu, không thể tự đi lại.

“Phẫu thuật cho người bệnh 89 tuổi, ung thư giai đoạn 3, đang trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng là một thử thách không nhỏ. Chúng tôi đã hội chẩn liên chuyên khoa, chuẩn bị rất kỹ để có thể tiến hành phẫu thuật", BS Hữu thông tin.

Các bác sĩ ngoại khoa phối hợp với bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng tăng cường thể trạng cho cụ Q. 10 ngày trước phẫu thuật. Dinh dưỡng cho người bệnh bao gồm dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch và qua đường ăn uống do các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng phụ trách.

Ca phẫu thuật kéo dài 120 phút, khối u được bóc tách hoàn toàn, lấy các hạch nhanh chóng, bảo tồn được các mô lành trong ổ bụng của người bệnh. Sau khi cắt khoảng 40cm đại tràng phải có khối u, bác sĩ phẫu thuật bóc tách các hạch bạch huyết.

"Robot phẫu thuật cho phép các bác sĩ tái lập lưu thông đường tiêu hóa ngay trong một thì mổ. Nghĩa là nối 2 đầu đoạn ruột lại với nhau chính xác và thuận tiện, thay vì phải thực hiện trong 2 lần mổ khác nhau. Nhờ vậy đảm bảo cho người bệnh chức năng đại tiện bằng đường tự nhiên mà không cần phải mở hậu môn nhân tạo ra thành bụng. Đây là điều rất có ý nghĩa đối với chất lượng cuộc sống của người bệnh và người thân", BS Hữu nói.

BS Hữu cho biết thêm, sau phẫu thuật, cụ Q. được chăm sóc tại phòng Hồi sức của khoa Ngoại tiêu hóa, bắt đầu ăn uống trở lại ở ngày hậu phẫu thứ 3.

Người bệnh tiếp tục được chăm sóc dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu giúp cụ Q. sau phẫu thuật có thể vận động sớm, tăng cường thông khí phổi, tránh thuyên tắc mạch máu cũng như thuyên tắc phổi, phòng ngừa nguy cơ viêm phổi và phòng ngừa rò miệng nối.

Kết quả siêu âm kiểm tra ổ bụng vào ngày hậu phẫu thứ 7 của người bệnh có kết quả ổ bụng sạch, không có dịch. Cụ Q. xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 10.

Tầm soát và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng giúp cải thiện tiên lượng điều trị và cho phép lựa chọn nhiều phương pháp điều trị hiệu quả, xâm lấn tối thiểu bằng phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nội soi ổ bụng, nội soi ứng dụng robot phẫu thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ