Phát triển văn hóa đọc: Con đường kiến tạo xã hội học tập

Phát triển văn hóa đọc: Con đường kiến tạo xã hội học tập

Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT về vai trò của văn hóa đọc cũng như những chỉ đạo của Bộ GD&ĐT liên quan đến Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 nói riêng, phát triển văn hóa đọc nói chung.

- Xin bà cho biết vai trò của văn hóa đọc, tầm quan trọng của việc đọc sách nhất là trong bối cảnh học sinh đang tạm nghỉ học vì dịch bệnh hiện nay?

- Xây dựng thói quen đọc sách chính là xây dựng thói quen tự học, giúp hình thành những công dân học suốt tập đời, là cơ sở để xây dựng một xã hội học tập, quốc gia học tập như chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.

Thái độ, cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức và những giá trị tinh thần được truyền tải thông qua sách vở chính là văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những thước đo phản ánh mức độ văn minh và trọng trí của một dân tộc, cũng như mỗi công dân của dân tộc ấy. Mahatma Gandhi đã khẳng định: “Không cần đốt sách để phá huỷ một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”.

Theo tôi, câu nói này là một tuyên ngôn mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự hưng vong của một dân tộc, một nền văn hóa. Những cuốn sách hay, bổ ích giúp mỗi cá nhân trui rèn và tích luỹ sự hiểu biết, trí tưởng tượng, sức sáng tạo; làm giàu thêm lòng trắc ẩn, khoan dung, và tình yêu thương đồng loại. Đó chính là nền tảng của một xã hội nhân văn, hòa bình và tiến bộ.

Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 như hiện nay, khi các trường học buộc phải đóng cửa và học sinh không thể tới trường, thì thúc đẩy việc tự đọc, tự học kết hợp với học trực tuyến, từ xa có hướng dẫn càng cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đây chính là học tập theo phương thức giáo dục thường xuyên, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả và chủ động trong bối cảnh toàn dân phải cách ly tại nhà theo lời kêu gọi của Chính phủ.

Phát triển văn hóa đọc: Con đường kiến tạo xã hội học tập ảnh 1
PGS.TS Vũ Thị Tú Anh

- Ngày Sách Việt Nam năm nay không thể tổ chức như mọi năm, vậy có cách nào để văn hóa đọc và sách được tôn vinh, thưa PGS?

- Để việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam phù hợp với tình hình cả nước đang tích cực chung tay phòng, chống dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7 gửi các sở GD&ĐT, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm với nhiều điểm đổi mới.

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc sách, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu hướng dẫn lồng ghép truyền thông về nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, thực hiện theo quy định của pháp luật về dịch Covi-19.

Các hoạt động khai mạc, trưng bày, các cuộc thi, tọa đàm, thảo luận trực tiếp về sách... theo hình thức truyền thống như hằng năm cũng được thay thế bằng các hoạt động đa dạng, sáng tạo như thành lập các nhóm và câu lạc bộ yêu sách trực tuyến (online), chia sẻ về sách và viết cảm nhận về sách (review sách) sử dụng các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo…

Bộ GD&ĐT cũng đề cao vai trò đồng hành của các gia đình với ngành Giáo dục thông qua việc khuyến khích phụ huynh đọc sách cùng con tại nhà; hướng dẫn cho con biết cách sử dụng máy tính và các thiết bị điện tử để truy cập Internet và tìm đọc những cuốn sách hay phù hợp với lứa tuổi. “Family reading”, “Family literacy”… vốn là các hoạt động rất được chú trọng tại các nước châu Âu trong nhiều năm qua vì việc đọc sách, học tập cùng nhau giữa các thành viên trong gia đình chính là một hình thức chia sẻ tri thức liên thế hệ. Trong bối cảnh hiện nay, đây còn là một liệu pháp tinh thần giúp gắn kết mọi thành viên trong gia đình với nhau, giảm tải các áp lực tâm lý không cần thiết trong mùa đại dịch.

Tôi cho rằng, Covid-19 vừa là một thách thức đồng thời cũng là một cơ hội để chúng ta đưa các hoạt động của ngày sách nói riêng cũng như các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc nói chung đi vào chiều sâu hơn, thực chất hơn. Đây cũng là thời điểm để chúng ta quyết liệt hơn với chuyển đổi số trong hệ thống thư viện và góp phần thay đổi thói quen đọc sách của người dân. 

Hàng loạt các kho tài nguyên điện tử khổng lồ trên thế giới đã được mở miễn phí để phục vụ bạn đọc trong mùa đại dịch như Thư viện khẩn cấp quốc gia (National Emergency Library) của Mỹ với hơn 1,4 triệu cuốn sách quý, trang sách nói nổi tiếng thế giới Audible với các tác phẩm văn học, sách truyện kinh điển dành cho trẻ em đủ mọi lứa tuổi, trang OpenStax chuyên cung cấp giáo trình quốc tế và tài liệu học tập miễn phí cho sinh viên, hay Thư viện Đại học Cambridge với hơn 700 đầu sách và giáo trình thuộc hơn 20 lĩnh vực khác nhau… Người dân có cơ hội được thụ hưởng những tài nguyên tri thức số đồ sộ của thế giới, tiếp cận với tri thức tinh hoa của nhân loại; đồng thời, cũng là cơ hội để thực hành việc khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn học liệu mở trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.

Phát triển văn hóa đọc: Con đường kiến tạo xã hội học tập ảnh 2
Học sinh Trường THPT Marie Curie (Quận 1) cùng đọc sách trong thư viện. Ảnh: Phan Nga

- Bên cạnh các chỉ đạo về Ngày Sách Việt Nam lần thứ 7, Bộ GD&ĐT đã và sẽ có những chỉ đạo gì để văn hóa đọc thực sự đi vào cuộc sống chứ không dừng lại ở khẩu hiệu, biểu ngữ?

- Bộ GD&ĐT luôn quan tâm chỉ đạo thúc đẩy các hoạt động về phát triển văn hóa đọc và đổi mới hoạt động thư viện trường học. Từ năm 2015 đến nay, các tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời hằng năm đều xoay quanh các chủ đề tôn vinh sách và giá trị của sách đối với sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội; coi sách vở là một trong các kênh học tập hiệu quả nhất để thúc đẩy việc học tập suốt đời của mọi người.

Năm 2015, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn 6841/GDĐT-GDTX thúc đẩy văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, là cơ sở để đẩy nhanh tiến trình hình thành hơn 30.000 tủ sách lớp học và hàng nghìn thư viện cộng đồng, góc đọc, không gian đọc, các mô hình khuyến đọc, mô hình tủ sách; khuyến khích các cá nhân, tập thể, tổ chức trong xã hội chung tay đưa sách về các khu vực khó khăn, nông thôn, miền núi, góp phần lan tỏa văn hóa đọc. Năm 2016, mô hình tủ sách lớp học thuộc chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam do Bộ GD&ĐT đề cử cũng đã được thế giới ghi nhận thông qua giải thưởng quốc tế xóa mù chữ của UNESCO – giải thưởng uy tín nhất hiện nay trong lĩnh vực khuyến đọc và xóa mù chữ.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc đẩy mạnh các hoạt động Ngày Sách Việt Nam và truyền thông về văn hóa đọc, đồng thời phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương tổ chức thành công cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020”.

Vụ Giáo dục thường xuyên yêu cầu các sở GD&ĐT báo cáo về việc thực hiện Công văn 6841/GDĐT-GDTX; đồng thời tổng hợp báo cáo của các vụ, cục liên quan về việc triển khai Kế hoạch 161/KH-BGDĐT của Bộ về thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đối với GD-ĐT. Trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo về phát triển văn hóa đọc đối với ngành Giáo dục giai đoạn 2016 - 2020 và tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT ban hành các công văn chỉ đạo cần thiết.

Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo tích cực phát hiện các cá nhân, tập thể điển hình có nhiều đóng góp trong đổi mới GD-ĐT giai đoạn 2015 - 2020, trong đó có việc phát triển văn hóa đọc, để có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời; nhân rộng các mô hình tốt, hiệu quả và đẩy mạnh truyền thông để toàn xã hội cùng ghi nhận và chung tay.

Có thể nói hàng chục nghìn góc đọc, không gian đọc, tủ sách lớp học, thư viện gia đình, dòng họ, cộng đồng… hiện nay chính là các mô hình giáo dục thường xuyên rất sáng tạo trong nhân dân, mở rộng và mang lại cơ hội tiếp cận tri thức cho tất cả mọi người. Vụ Giáo dục thường xuyên chúng tôi luôn xác định làm sao để các mô hình này tiếp tục phát triển mạnh hơn, sâu rộng, hiệu quả hơn cũng chính là một trong những nhiệm vụ và giải pháp của ngành Giáo dục nhằm thực hiện thành công Đề án phát triển văn hóa đọc của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, xây dựng thành công xã hội học tập.

- Xin cảm ơn PGS!

“Thúc đẩy văn hóa đọc, nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho học sinh, sinh viên và mọi người dân để trở thành những người tự học suốt đời cũng là quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong những năm vừa qua. Như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu, đọc sách, học tập thông qua sách vở, các thiết chế thư viện, không gian đọc… chính là một trong những con đường tốt nhất để hình thành các công dân học tập, cộng đồng học tập và kiến tạo xã hội học tập”. - PGS. TS Vũ Thị Tú Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.