Phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Bình Dương cho rằng, việc bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên (GV) là rất tốt; tuy nhiên phải thực hiện như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất. Cử tri kiến nghị, ngành Giáo dục nên xem xét, nghiên cứu tăng tính hiệu quả của chương trình, đồng thời giảm tối đa thời gian đối với những hoạt động ngoài công tác chuyên môn giảng dạy của GV.

Phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT trả lời như sau: Chất lượng của đội ngũ GV quyết định chất lượng dạy và học trong nhà trường. Do vậy, việc bồi dưỡng kiến thức cho GV là cần thiết. Nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao mức độ đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp GV, Bộ GD&ĐT đã ban hành hệ thống chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV mầm non, tiểu học, THCS, THPT. Trong đó, hằng năm, GV bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục 60 tiết/năm học. Đây là nội dung bồi dưỡng tự chọn. Do vậy, với số lượng mô đun bồi dưỡng, nhiều GV sẽ dễ dàng lựa chọn mô đun phù hợp với nhu cầu bồi dưỡng của mình để bổ khuyết nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình theo chuẩn và theo yêu cầu đổi mới của ngành.

Việc viết thu hoạch, trình bày kết quả vận dụng kiến thức bồi dưỡng thường xuyên của cá nhân trong quá trình dạy học, giáo dục học sinh tại tổ bộ môn thông qua các báo cáo chuyên đề… là hình thức đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên của GV. Hình thức này nhằm tăng cường vận dụng kiến thức được bồi dưỡng vào thực tiễn giảng dạy.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện bồi dưỡng thường xuyên vẫn có một số trường hợp GV sao chép bài của nhau để đối phó như đại biểu phản ánh là bởi công tác quản lý, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra công tác bồi dưỡng thường xuyên GV của một số địa phương triển khai chưa nghiêm túc.

Để khắc phục tình trạng này, hằng năm, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc đánh giá công tác bồi dưỡng thường xuyên theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT về việc ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên GV mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên, trong đó yêu cầu GV xây dựng và hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của cá nhân đã được phê duyệt; nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về bồi dưỡng thường xuyên của các cơ quan quản lý giáo dục, báo cáo tổ bộ môn, lãnh đạo nhà trường kết quả thực hiện kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của cá nhân và việc vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học tập bồi dưỡng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bộ GD&ĐT đã tiến hành rà soát, xây dựng chương trình và quy chế bồi dưỡng thường xuyên GV các cấp học từ mầm non đến THPT. Chương trình và quy chế bồi dưỡng thường xuyên GV đang được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng của GV; sử dụng phương pháp tích cực, phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của GV; tăng cường thực hành, thảo luận, trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa báo cáo viên với GV và giữa GV với nhau; tăng cường khuyến khích GV bồi dưỡng từ xa (qua mạng) để công tác bồi dưỡng thường xuyên hiệu quả hơn, tránh hình thức, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp GV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.