Phát triển năng lực học Toán với dạy học tương tác

GD&TĐ - Dạy học tương tác là một hướng đi mới trong trào lưu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. 

Phát triển năng lực học Toán với dạy học tương tác

Việc áp dụng dạy học tương tác trong dạy học nói chung và môn Toán nói riêng sẽ góp phần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Đó là nhận định của thạc sĩ Đỗ Thị Hồng Minh (Trường ĐH Hải Phòng).

Tương tác trong môi trường intetnet

Theo thạc sĩ Đỗ Thị Hồng Minh, dạy học tương tác trong môn Toán là hoạt động dạy học, ở đó người dạy sử dụng các kĩ thuật dạy học, phương tiện dạy học, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông,... tạo ra môi trường tương tác, với các tình huống dạy học có dụng ý giúp người học chiếm lĩnh tri thức Toán học, rèn luyện kĩ năng vận dụng Toán học, phát triển tư duy qua các tác động qua lại, trao đổi, hợp tác giữa người học, người dạy và môi trường.

Môi trường công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là internet giúp học sinh có cơ hội tương tác nhiều hơn với giáo viên và bạn học khác thông qua công cụ đơn giản như diễn đàn, thư điện thử, hội thoại trực tuyến...

Các lớp học online ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt với môn Ngoại ngữ và khoa học tự nhiên. Đó là một phương thức học rất hiệu quả bởi có thể học mọi lúc, mọi nơi và sự tương tác xảy ra tức thì.

Đối với môn Toán, qua internet, học sinh có thể tham gia các lớp học trực tuyến, hay tham gia luyện thi online. Gần đây, có rất nhiều chương trình Toán bổ ích cho học sinh được đăng tải trên các diễn đàn...

Chương trình giải toán qua mạng Violimpic được mở rộng không chỉ với học sinh tiểu học, THCS như trước mà cho cả đối tượng là học sinh THPT. Môi trường công nghệ thông tin truyền thông thực sự rất hữu ích, nếu biết khai thác, đây thực sự là môi trường tương tác có hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Đỗ Thị Hồng Minh, trong dạy học môn Toán, môi trường do người thầy tạo ra có thể là những tình huống có dụng ý sư phạm, hay một yêu cầu hợp tác nhóm để khám phá tri thức, một bài toán chứa đựng sai lầm cần sửa chữa...

Ở đó, chứa đựng những mâu thuẫn với vốn kiến thức sẵn có của học sinh, đồng thời vừa sức với khả năng học sinh để các em có thể điều chỉnh, thích nghi. Trong quá trình thích nghi sẽ nảy sinh tri thức mới, qua đó học sinh lĩnh hội được tri thức.

3 nhân tố trong dạy học tương tác

Thạc sĩ Đỗ Thị Hồng Minh cho biết: Dạy học tương tác cơ bản dựa trên mối quan hệ tương hỗ tồn tại giữa ba nhân tố người học, người dạy và môi trường.

Ba nhân tố này luôn quan hệ với nhau sao cho mỗi một nhân tố hoạt động và phản ứng dưới ảnh hưởng của hai nhân tố kia. Có ba dạng tương tác thường xảy ra trong quá trình dạy học là tương tác thầy - trò, tương tác trò - môi trường và tương tác thầy - trò - môi trường.

Người học được đặt ở vị trí trung tâm, việc giảng dạy của thầy cũng như học tập của trò đều nhằm mục tiêu giúp người học chiếm lĩnh tri thức.

Như vậy, dạy học tương tác đặc biệt làm tăng giá trị các mối quan hệ tác động qua lại tồn tại giữa người học, người dạy và môi trường trong quá trình dạy học.

Sự tham gia đa dạng của ba nhân tố này trong quá trình dạy học là khởi nguồn của các quan hệ năng động giữa chúng, làm nên nét đặc trưng nhất của dạy học tương tác.

Theo thạc sĩ Đỗ Thị Hồng Minh, dạy học tương tác có thể giúp học sinh hình thành năng lực tư duy sáng tạo như khả năng vận dụng thành thục những kiến thức, kĩ năng đã biết vào hoàn cảnh mới; có khả năng phát hiện, đề xuất cái mới từ một vấn đề quen thuộc; có khả năng nhìn nhận đối tượng dưới các khía cạnh khác nhau; có khả năng phối hợp nhiều công cụ, phương pháp khác nhau để giải quyết một vấn đề; tìm đươc nhiều cách giải khác nhau đối với một bài toán và tìm được cách giải độc đáp đối với bài toán đã cho.

Ngoài ra, hoạt động trong dạy học tương tác chủ yếu dựa vào sự tương tác giữa người học, người dạy và môi trường, thể hiện bằng các hoạt động phản hồi, điều chỉnh và tái điều chỉnh, không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ mà còn chuyển tải những vấn đề phi ngôn ngữ qua các hoạt động khác nhau trong giờ học, do đó sẽ giúp học sinh phát triển cả năng lực hợp tác.

"Quá trình học đòi hỏi người học một sự hoạt động liên tục và có nhiều cố gắng. Trong quá trình này, người học tham gia hợp tác với bạn và chia sẻ nhiệm vụ để cùng đạt được kết quả học tập. Chính sự tham gia đó giúp người học thiết lập được mối quan hệ qua lại giữa người dạy - người học cũng như mối quan hệ giữa người học với nhau.

Mặt khác, sự tham gia của người học cũng góp phần tạo ra môi trường thân thiện và hợp tác giữa người học và người dạy. Từ đó, năng lực hợp tác được hình thành, người học không chỉ lĩnh hội được tri thức mà còn được rèn luyện năng lực làm việc hợp tác cũng như biết giải quyết các vấn đề của cuộc sống" - Thạc sĩ Đỗ Thị Hồng Minh khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.