Tới tham dự có bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Thanh - Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: Thời gian qua, trong giáo dục hướng nghiệp, TPHCM đã có nhiều nỗ lực góp phần giúp cho HS, phụ huynh hiểu biết thêm về các thông tin ngành nghề, lợi ích của việc chọn đúng ngành nghề để học và nhất là góp phần chuyển biến nhận thức của XH về giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả hơn, cần có những giải pháp đồng bộ hơn, từ việc chuyển biến nhận thức về giáo dục hướng nghiệp đến tạo những điều kiện cụ thể cũng như động lực cho hoạt động này.
Trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Toản - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thẳng thắn nói: Về mặt giáo dục ĐH, chúng ta đang đứng trước thực trạng rất đáng lo ngại là cha mẹ HS không muốn cho con học nghề, các trường dạy nghề không tuyển sinh được, nhiều trường đang đứng trước nguy cơ giải thể.
Ngay cả HS đổ xô thi vào ĐH không có ý thức chọn ngành nghề phù học phù hợp với thị trường lao động nên ra trường thất nghiệp và không xin được việc làm.
Cũng theo ông Toản, theo thống kê quý III/2014 có tới 174 ngàn SV ra trường thất nghiệp. Còn theo khảo sát năm 2013 có 350 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ thì có tới 82% lao động không đáp ứng được đòi hỏi về chuyên môn hoặc kỹ năng cao mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Vì thế việc triển khai mô hình đào tạo theo hướng nghề nghiệp ở các trường ĐH hiện nay trở nên rất cấp thiết.
Ông Toản cũng đưa ra góp ý: Mô hình khuyến học và hướng nghiệp của trường ĐH đòi hỏi phải có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, tăng cường mối liên hệ giữa trường ĐH và doanh nghiệp; Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ, TB và XH nên có chủ trương chỉ đạo các trường ĐH, các doanh nghiệp gắn bó với nhau.
Phải lập ra những trường đào tạo để xuất khẩu LĐ với những yêu cầu cao hơn, phù hợp hơn với thị trường lao động của nhiều nước mà SV của chúng ta tới lao động. Hội nhập quốc tế và chuẩn bị gia nhập TPP phải là phương hướng mà các trường ĐH hướng ngay mô hình khuyến học và hướng nghiệp của mình vào để phục vụ.
Ông Nguyễn Đình Minh - Tổng thư ký Hội đồng khoa học và công nghệ quốc gia - về cơ bản đồng ý với những ý kiến của PGS.TS Lương Ngọc Toản.
Ông cho rằng: Trong chương trình hướng nghiệp, phải làm sao gắn kết được giữa HS, gia đình, nhà trường và XH. Cần phải giáo dục nhận thức về nghề nghiệp không chỉ cho các em HS mà còn phải tuyên truyền đến các gia đình, toàn xã hội.
Ngoài việc chú trọng công tác hướng nghiệp thì việc phát triển công tác khuyến học có hiệu quả cũng góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tham dự Hội thảo, bà Lê Minh Ngọc - Phó CT kiêm Giám đốc quỹ khuyến học TPHCM - đã chia sẻ những mô hình khuyến học có hiệu quả tại TPHCM, góp phần vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như: Gia đình hiếu học, phong trào “Học bổng khuyến tài” theo phương thức “học bổng 1 và 1”; chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học” cùng các chương trình học bổng phù hợp với khả năng đóng góp của các nhà tài trợ nhằm huy động sự đóng góp tối đa của xã hội như Ươm mầm đại thụ Việt Nam, Dầu khí và Môi trường, Chắp cánh ước mơ, Học bổng đồng hành, Niềm hy vọng cho trẻ em…
Tại Hội thảo, bà Trương Mỹ Hoa cũng chia sẻ về công việc khuyến học mà bà đang làm với vai trò là Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB vì Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo bà Trương Mỹ Hoa, những suất học bổng thiết thực đã mang lại niềm vui cho rất nhiều em HSSV trong quá trình học tập để vươn lên lập thân, lập nghiệp.
Ngoài ra, nói về công tác khuyến học, bà Trương Mỹ Hoa cũng chia sẻ, đó là công việc thầm lặng, người làm công việc này để có hiệu quả phải thực sự chăm chút, lo lắng, tận tâm.