Phát triển kỹ năng mới cho công nghiệp 4.0

GD&TĐ - Australia đang dành sự hỗ trợ lớn cho Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đây là trọng tâm hợp tác giữa hai nước. Cho đến nay, Australia đã cung cấp nhiều học bổng cho Việt Nam ở mảng đại học và sau đại học. Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam đang thay đổi rất mạnh mẽ và cần nhiều kỹ năng mới. Vì vậy, Australia xác định không chỉ hỗ trợ Việt Nam về mặt giáo dục đại học mà còn hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề.

Phát triển kỹ năng mới cho công nghiệp 4.0

Thay đổi tư duy đào tạo

Ông Craig Chittick - Đại sứ Australia tại Việt Nam - cho biết: Thông qua giáo dục đào tạo nghề, các lao động trẻ sẽ có được những kỹ năng tốt để hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay cả thế giới đang chuyển mình theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với những hiệp ước và thỏa thuận đã được ký kết giữa hai chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề, tới đây các chương trình hợp tác sẽ hướng trọng tâm vào việc thúc đẩy các hoạt động nhằm liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa trường đào tạo nghề với doanh nghiệp để sinh viên tốt nghiệp ra trường có được những kỹ năng mà các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp mong muốn.

Bên cạnh đó, hỗ trợ Việt Nam trong chiến dịch truyền thông để giáo dục và đào tạo nghề được phổ biến hơn nữa. Ở Australia, những người học nghề ra trường thường có việc làm tốt có thu nhập cao, nhưng chính phủ vẫn tiếp tục thúc đẩy để giáo dục đào tạo nghề có sức hút mạnh mẽ hơn nữa đối với từng cá nhân. Điều quan trọng nữa là các cá nhân người lao động phải đáp ứng được nhu cầu kỹ năng của các ngành công nghiệp.

Theo ông Craig Chittick, thời điểm hiện tại các cơ sở đào tạo ở Việt Nam đang dạy những kỹ năng nghề mà họ nghĩ rằng đó là những kỹ năng mà các doanh nghiệp cần, nhưng điều này chưa chắc đã đúng. Đây là một tư duy cần được thay đổi bằng việc kết nối chặt chẽ hơn với doanh nghiệp để đào tạo được những sinh viên có tay nghề thực sự đúng với yêu cầu của doanh nghiệp.

Lương cao sẽ thu hút người học nghề

Về việc thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, ông Craig Chittick cho rằng, chất lượng của bằng cấp là yếu tố quan trọng nhất. Khi sinh viên có được trình độ kỹ năng chất lượng đúng với bằng cấp, khi bước vào thị trường lao động sẽ có thu nhập cao... Để làm được việc này, hệ thống giáo dục và đào tạo nghề phải đúng ngay từ đầu, có nghĩa là các cơ sở đào tạo phải hợp tác chặt chẽ với các ngành, các doanh nghiệp để sinh viên ra trường có công việc phù hợp và được trả lương cao. Như vậy, các gia đình sẽ hưởng ứng mạnh mẽ và thúc đẩy con em mình theo học nghề nhiều hơn.

Theo bà Joanna Wood - Tham tán giáo dục và khoa học Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, hiện đang còn tồn tại những hiểu nhầm từ cộng đồng, đặc biệt là từ một bộ phận không nhỏ các bậc cha mẹ của các em học sinh, thậm chí kể cả giáo viên và những người làm công tác đào tạo. Họ cho rằng chỉ có giáo dục đại học mới có thể dẫn đến một nghề nghiệp, tương lai tốt. Tuy nhiên, thực tế là giáo dục đại học có chỗ đứng riêng của mình, và giáo dục đào tạo nghề cũng có chỗ đứng riêng trong nền kinh tế cũng như trên thị trường lao động.

Lấy dẫn chứng từ bản thân, bà Joanna Wood cho biết, bà đã từng học 4 bằng nghề và 2 bằng đại học ở Australia. Những kiến thức, kỹ năng mà bà có được từ việc học nghề đã giúp ích rất nhiều để bà có được sự nghiệp như hiện nay. Không chỉ riêng bà Joanna Wood, tại Australia cũng như tại Việt Nam đã có rất nhiều người thành công từ con đường giáo dục đào tạo nghề. Điều này khẳng định, học nghề chính là con đường dẫn đến thành công.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh cho biết: Trong thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Giáo dục Australia đã có sự hợp tác hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cũng như nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam ngang tầm khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.