Phát triển đội ngũ nhà giáo người DTTS
Bắc Giang đã chú trọng phát triển quy mô mạng lưới trường lớp, nhất là vùng DTTS, miền núi. Hệ thống mạng lưới trường, lớp của tỉnh được duy trì, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của HS DTTS, HS vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các huyện miền núi, nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống đều có đầy đủ 3 cấp học với ít nhất 3 trường THPT và 1 trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên. Toàn tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và 4 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Tỉ lệ đạt chuẩn quốc gia các trường PTDTNT đạt 100%, các trường PTDTBT đạt 75% .
Để bảo đảm chất lượng GD DTTS, Bắc Giang cũng quan tâm, đầu tư phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo người DTTS; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, GV công tác tại khu vực miền núi, vùng DTTS và cán bộ GV các trường PTDTNT,
PTDTBT được bồi dưỡng theo chuẩn và nâng chuẩn. Tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn của cán bộ quản lý, GV ngày càng tăng, góp phần thực hiện tốt “Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và việc làm cho người DTTS tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016 - 2020” của UBND tỉnh Bắc Giang.
Một không gian đẹp cho HS tiểu học đọc sách ở Bắc Giang. Ảnh: Sở GD&ĐT Bắc Giang |
Đổi mới phương pháp GD
Bắc Giang cũng chú trọng nâng cao chất lượng GD trẻ em, HS DTTS và các trường PTDTNT, PTDTBT. Chỉ đạo các huyện miền núi thực hiện tốt việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc trước khi vào lớp 1. Việc đổi mới phương pháp GD lấy trẻ làm trung tâm, triển khai chuyên đề “Giáo dục phát triển vận động phù hợp với trẻ dân tộc” ở bậc học mầm non.
Bậc tiểu học cũng đã triển khai tốt các biện pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Bậc trung học được củng cố vững chắc về chất lượng GD toàn diện và GD mũi nhọn. Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết đã chỉ đạo các nhà trường phát huy vai trò của GV chủ nhiệm, các tổ chức Đoàn, Đội, tổ... trong việc GD tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh DTTS. Chất lượng GD đạo đức HS DTTS có nhiều chuyển biến tích cực.
Hệ thống các trường PT DTNT, PT DTBT, các cơ sở GD miền núi, vùng khó khăn ở Bắc Giang xây dựng nội quy và thực hiện tốt nếp sống văn minh khu nội trú; xây dựng phong cách học tập của HS dân tộc nội trú. Sinh hoạt nội trú được tổ chức hàng tuần theo chủ đề. Các câu lạc bộ “Nói tiếng dân tộc” được duy trì, nhằm củng cố vốn ngôn ngữ DTTS và giới thiệu các phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, truyện dân gian các DTTS trên địa bàn. Việc hướng dẫn HS nội trú tự học được thực hiện sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Thêm cho biết:“Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục góp phần giữ vững kết quả phổ cập GD có chất lượng tốt ở vùng DTTS, miền núi trong những năm tiếp theo, Sở GD&ĐT Bắc Giang tiếp tục quan tâm duy trì hệ thống các trường PT DTNT, PT DTBT, các cơ sở GD miền núi, vùng khó khăn để đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao dân trí của vùng DTTS, miền núi.
Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển GD ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng GD các trường DTNT, DTBT, trường ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng GD giữa các vùng miền”.