Phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị nén

GD&TĐ - Theo lãnh đạo Đà Nẵng, quan điểm phát triển đô thị nén không nằm ngoài định hướng phát triển của thành phố. Tuy nhiên, khái niệm “nén”, phạm vi “nén” cần phải nghiên cứu kỹ, có lộ trình và kế hoạch cụ thể.

Quy hoạch dựa trên 3 trụ cột: Du lịch, Chế xuất và dịch vụ logistic, Kinh tế tri thức. Ảnh: Sơn Đoàn
Quy hoạch dựa trên 3 trụ cột: Du lịch, Chế xuất và dịch vụ logistic, Kinh tế tri thức. Ảnh: Sơn Đoàn

Quy hoạch dựa trên 3 trụ cột chính

Ban Thường vụ Thành ủy vừa có buổi làm việc với Liên doanh tư vấn quy hoạch thành phố về báo cáo sơ bộ “Dự án quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Tại buổi làm việc, ông Đặng Huy Đông – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện đơn vị Liên doanh tư vấn quy hoạch cho rằng, Đà Nẵng cần xác định phát triển đô thị nén nhằm tối đa hóa mật độ kinh tế trên một diện tích lãnh thổ, nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP.

Về hướng quy hoạch thành phố phát triển theo phân khu, ứng với từng thời kỳ cụ thể, đơn vị tư vấn cho rằng cần đi từ trung tâm thành phố, mở rộng dần theo hình thức “cuốn chiếu”. Qua đó, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất đai của từng khu, tuân thủ theo quy hoạch cung cầu, bảo đảm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất để tăng thu ngân sách và đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn cho chủ đầu tư.

Với mục tiêu phát triển đô thị nén, đơn vị Liên doanh tư vấn phân kỳ thực hiện quy hoạch dựa trên 3 trụ cột: Du lịch, Chế xuất và dịch vụ logistic, Kinh tế tri thức. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2030, thành phố cần phát triển khu trung tâm quận Hải Châu và vịnh Đà Nẵng, phát triển Trung tâm Chế xuất và trung chuyển hàng hóa miền Trung, phát triển kinh tế tri thức.

Đơn vị tư vấn đưa ra giải pháp quy hoạch các khu đô thị nén cung cấp nhà ở cho cư dân của thành phố cũng như các dịch vụ lưu trú, thương mại cho du khách tại khu vực trung tâm...

Về giải pháp phát triển Khu đô thị dịch vụ thương mại, thành phố cần đặt gần Khu chế xuất hàng xuất khẩu, với trung tâm là nhà ga đường sắt và bến ô tô đường bộ cao tốc hiện đại liên thông, kết nối thuận lợi với cảng Liên Chiểu, Sân bay Đà Nẵng.

Khu chế xuất hàng xuất khẩu theo mô hình công xưởng cao tầng, nhằm tiết kiệm diện tích đất và nâng cao mật độ kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Không phát triển dàn trải mà tập trung có trọng điểm

Theo ông Đặng Huy Đông, không có lựa chọn khác để Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung nếu không định hướng phát triển đô thị nén. “Tuy nhiên, chúng ta không có đủ nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho một đô thị dàn trải.

Nên việc phát triển thành phố cần có trọng tâm, trọng điểm từng thời kỳ theo hình thức “cuốn chiếu”, đi từ lõi phát triển ra, làm đến đâu hoàn thiện đến đó để sớm phát huy hiệu quả đầu tư toàn xã hội”, ông Đông nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, quan điểm phát triển đô thị nén không nằm ngoài định hướng phát triển của thành phố. Tuy nhiên, khái niệm “nén” và phạm vi “nén” cần phải nghiên cứu kỹ, cần tập trung “nén” ở một số khu vực trung tâm quận Hải Châu và quận Thanh Khê, một số khu vực ở quận Sơn Trà.

Về 3 trụ cột kinh tế, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu phù hợp hơn, nội hàm khái niệm “kinh tế trí thức” cần rộng hơn. Trên cơ sở định hướng, đơn vị tư vấn tiếp tục phân tích kỹ về hướng thực tiễn phát triển thành phố, với mục tiêu không phát triển dàn trải mà tập trung có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các ngành kinh tế thành phố có thế mạnh như kinh tế biển, dịch vụ tài chính, kinh tế trí thức...

Ông Quảng cũng đề nghị các đơn vị cần bổ sung thêm các căn cứ lập quy hoạch, trong đó chú ý những văn bản, nghị quyết sát với thực tiễn, đặc biệt là tầm nhìn và định hướng phát triển thành phố đã được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với định hướng phát triển đô thị trung tâm, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu các sở ngành khẩn trương phối hợp tư vấn hoàn thành việc tích hợp dữ liệu các ngành trong quy hoạch chung.

“Chưa đầy 6 tháng nữa chúng ta sẽ thông qua quy hoạch, nếu không triển khai quyết liệt sẽ không có một sản phẩm đảm bảo. Phải có lộ trình và kế hoạch cụ thể, nếu có khó khăn, vượt thẩm quyền xử lý thì phải báo cáo Ban Thường vụ để kịp thời tháo gỡ, xử lý”, ông Quảng yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.