Đánh giá xứng tầm văn hóa Sa Huỳnh

GD&TĐ - Là một trong ba nền văn minh cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng nền văn hóa Sa Huỳnh chưa được đánh giá xứng tầm với ý nghĩa cũng như giá trị lịch sử.

Mộ chum của nền văn hóa Sa Huỳnh.
Mộ chum của nền văn hóa Sa Huỳnh.

Vào năm 1909, nhà khảo cổ người Pháp là M. Vinet đã phát hiện vùng cồn cát gần đầm An Khê ở phường Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) khoảng 200 chiếc quan tài bằng chum. Từ đó đến nay, nhiều cuộc khai quật được tiến hành và ngày càng sáng tỏ giá trị về đời sống của các tộc người thời tiền sơ sử ở miền Trung Việt Nam.

Sáng tỏ nền văn hóa cổ xưa

Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong 3/2022 đơn vị sẽ tổ chức hội thảo và cung cấp thêm những nghiên cứu quý giá về nền văn hóa Sa Huỳnh. Hội thảo có sự góp mặt của đông đảo các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi - cho hay, với những cuộc khảo cổ dọc miền Trung và Tây Nguyên có thể thấy nền văn hóa Sa Huỳnh phát triển từ Hà Tĩnh (tiếp giáp với nền văn hóa Đông Sơn) vào đến tận Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.

Các chuyên gia cho rằng, xuất hiện cách ngày nay khoảng 3.000 năm và kết thúc vào thế kỷ thứ 1, văn hóa Sa Huỳnh có lẽ đã tồn tại hơn 5.000 năm kéo dài từ hậu kỳ thời đại đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt.

Trong giai đoạn 1909 - 1960, việc phát hiện nghiên cứu, và định danh nội hàm của nền văn hóa Sa Huỳnh thuộc về những học giả Pháp. Giai đoạn này nhiều cuộc khai quật được tiến hành ở Quảng Ngãi và Bình Thuận. Muộn hơn chút là các  cuộc khai quật mộ chum khu vực Đông Nam Bộ.

Đến nay, còn nhiều ý kiến phê phán phương pháp khai quật của các học giả Pháp, cũng như quan điểm truyền bá luận trong việc diễn giải mã di tích và di vật. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tư liệu khai quật ở các địa điểm này đã làm sáng tỏ đáng  kể một số khía cạnh của văn hóa Sa Huỳnh, như: Niên đại, táng thức, loại hình hiện vật...

Vào những năm 2004 – 2005, Viện Khảo cổ học quốc gia Đức hợp tác với các nhà khảo cổ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành khảo cứu một số vùng thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Bước đầu đã xác định được diện mạo một nền văn hóa đặc sắc ở miền Trung.

Trong quá trình nghiên cứu, giới khảo cổ nhận định Quảng Ngãi là địa phương có nhiều liên quan đến nền văn hóa Sa Huỳnh hơn cả. Đồng thời, đây cũng là nơi mà nền văn hóa này mở rộng không gian cư trú - từ duyên hải ra tận hải đảo rồi lên vùng núi cao.

Đánh giá đúng tầm, lan tỏa giá trị

Lọ gốm Sa Huỳnh - cách nay khoảng 2.000 - 2.500 năm.

Lọ gốm Sa Huỳnh - cách nay khoảng 2.000 - 2.500 năm.

Theo GS Nguyễn Khắc Sử, phải có những hội thảo khoa học quốc tế đánh giá xứng tầm văn hóa Sa Huỳnh. Chúng ta đang bỏ qua một giá trị vô giá, không chỉ thu hút giới nghiên cứu trong và ngoài nước, mà còn bỏ qua thời cơ thu hút khách quốc tế đến Việt Nam để thấy một nền văn hóa cổ xưa rực rỡ và đầy giá trị lịch sử.

Đến nay, giới khảo cổ đã tìm thấy khá nhiều di cốt người thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh. PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, di cốt người ở các địa điểm Xóm Ốc, Bình Yên, Bầu Hòe và Bình Ba đều là cư dân Mongoloid có xen đôi nét của đại chủng Australoid.

Riêng người cổ Hòa Diêm, là bộ phận của người Indonésien từ Tây Nguyên tràn xuống vùng đất miền Trung từ hậu kỳ đá mới, hoặc đi lên từ phía Nam. Theo tài liệu của cố GS Hà Văn Tấn, vẫn còn quá sớm để nêu lên đặc điểm chủng tộc của người Sa Huỳnh, vì có khả năng trong quần thể Sa Huỳnh có những loại hình nhân chủng khác nhau.

GS Nguyễn Khắc Sử - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khảo cổ học Việt Nam - cho rằng: Với 26 di tích được khai quật, hơn 80 địa điểm phát hiện hiện vật và nghiên cứu, Quảng Ngãi là địa phương có mật độ phân bố dày đặc của nền văn hóa Sa Huỳnh. Nơi đây không chỉ là cái nôi, mà còn có nền văn hóa tiền Sa Huỳnh tồn tại xuyên suốt thời gian hơn 1.000 năm trước khi văn hóa Sa Huỳnh phát triển rực rỡ.

Với các giá trị mang tính lịch sử và khoa học rất lớn, từ năm 2011, Quảng Ngãi đã xây dựng Khu bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Sa Huỳnh. Đây là điểm nhấn du lịch kết nối với chuỗi “Con đường di sản miền Trung”.

Khu bảo tồn được xây dựng trên diện tích 20ha ở gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2 (Phổ Thạnh - Đức Phổ) - trên chính vị trí mà nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet lần đầu tiên phát hiện 200 mộ chum trong đầm nước ngọt năm 1909.

Năm 2017, khu bảo tồn đi vào hoạt động nhưng chưa phát huy được giá trị. Được xem là nơi bổ sung cứ liệu, giới thiệu về lịch sử, nhưng nhà trưng bày bị đánh giá là sơ sài, chỉ với khoảng hơn 250 hiện vật, ảnh, tài liệu theo chủ đề lịch sử phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh; sự giao thoa văn hóa Sa Huỳnh với các nền văn hóa khu vực Đông Nam Á.

Cách nhà trưng bày 300m là di tích khảo cổ học Long Thạnh trên gò Ma Vương. Tại đây, hai hố khai quật có diện tích 223m2 và nhà bao che rộng 320m2 xây dựng ngay vị trí phát hiện kho chum Sa Huỳnh từ những năm 1909. Hố khai quật phía Nam gò Ma Vương phục dựng 16 ngôi mộ táng của cư dân Sa Huỳnh. Hố khai quật phía Bắc phục dựng tầng văn hóa Sa Huỳnh 3.000 năm trước.

Khu bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Sa Huỳnh có tổng vốn đầu tư gần 32 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay trung bình mỗi tháng khu di tích này chỉ có khoảng 50 - 100 lượt khách. Khách tham quan chủ yếu là giới nghiên cứu, học sinh, sinh viên.

Có nhiều nguyên nhân khiến ý nghĩa và giá trị của nền văn hóa Sa Huỳnh bị hạn chế. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho rằng sau hơn 100 năm kể từ khi được phát hiện đến nay – chúng ta vẫn chưa “đại chúng hóa” nền văn hóa Sa Huỳnh. Đồng thời chưa có chiến lược để quảng bá, phát huy rộng rãi nền văn hóa cổ xưa này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.