Thành phần quan trọng của hệ thống giáo dục
Dự hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, lãnh đạo các Sở GD&ĐT và các Trung tâm GDTX trong toàn quốc.
Báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Theo Luật Giáo dục 2019 và các văn bản dưới luật, đã định vị hệ thống giáo dục là hệ thống mở, liên thông gồm chính quy và thường xuyên. GDTX là thành phần của hệ thống giáo dục, trong đó có các thiết chế và cơ sở GDTX.
Trong 3 năm gần đây, số lượng các Trung tâm ổn định về quy mô và số lượng. Năm học 2023-2024 cả nước có 92 Trung tâm GDTX, 526 Trung tâm GDNN-GDTX, với 10.658 phòng học và phòng chức năng; 4.438 phòng thí nghiệm, thư viện, máy tính. Điều kiện cơ sở vật chất của các trung tâm đảm bảo tối thiểu cho việc dạy học.
Thực hiện chương trình GDPT 2018, GDTX cũng đồng bộ triển khai thực hiện các nội dung theo tinh thần của Nghị quyết 29/NQ/TW. Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học và các Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp được Bộ GD&ĐT ban hành đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người dân.
Khẳng định các trung tâm GDTX và Trung tâm GDNN-GDTX có vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, ông Hoàng Đức Minh cho biết, các Trung tâm không chỉ cung cấp cơ hội học tập cho mọi đối tượng mà còn giúp nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, tạo ra môi trường học tập suốt đời, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.
Mặc dù Trung tâm GDTX và Trung tâm GDNN-GDTX đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập và phát triển nguồn nhân lực, nhưng cũng có một số hạn chế cần phải được khắc phục để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm này.
Đó là, chất lượng giáo dục chưa đồng đều; cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu thốn; khả năng cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; một số địa phương còn thiếu cơ chế giám sát, kiểm tra chất lượng giảng dạy và học tập hiệu quả…
Khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng
Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở GD&ĐT, Giám đốc các Trung tâm GDTX đã trao đổi về kết quả quản lý, kinh nghiệm hoạt động, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để khắc phục khó khăn, phát huy hơn nữa “dư địa”, hiệu quả của GDTX với phát triển giáo dục, đào tạo và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hiện nay trên địa bàn thành phố có 29 Trung tâm GDNN-GDTX do các quận huyện quản lý. Số lượng học viên ngày càng tăng. Nếu như năm học 2022-2023 chỉ có 30 nghìn, năm học 2023-2024 đã tăng lên 40 nghìn và năm học này có 53 nghìn học viên.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều cơ chế chính sách để gỡ khó cho GDTX, tạo thuận lợi cho các địa phương, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc như: Hiện nay các trung tâm thừa giáo viên dạy nghề do chương trình GDPT 2018 không còn chương trình dạy nghề. Nhu cầu học tập lớn nhưng việc phân cấp thì đầu tư chưa được tập trung. Nhiều Trung tâm không có biên chế giáo viên do chưa có quy định cụ thể.
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng hoạt động hiệu quả các Trung tâm trên địa bàn, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trước tiên cần phải nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, kịp thời hướng dẫn các trung tâm triển khai thực hiện đồng bộ, tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo tổ chức các chương trình GDTX đúng quy định.
Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành giáo dục thành phố với các địa phương trên địa bàn trong công tác quản lý các trung tâm, quan tâm đầu tư, cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng điều kiện tổ chức các chương trình GDTX. Tăng cường công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên...
Nêu những khó khăn của GDTX thời gian qua, ông Nguyễn Quang Thuận, Sở GD&ĐT Sơn La mong muốn mỗi người làm GDTX sẽ có “nhãn quan” rộng hơn để thấy có rất nhiều việc để làm. Đồng thời bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo tiếp tục dành sự quan tâm cho GDTX, đưa GDTX ngày càng phát triển.
Chia sẻ về những thành công để thu hút người học, ông Trần Lam Sơn - Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Nghệ An cho rằng kết quả đó xuất phát từ một số yếu tố như: Tư duy năng động, hành động quyết liệt, tạo đồng thuận trong nội bộ, nhạy bén với nhu cầu của người học, hiện đại hóa điều kiện dạy học, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý và phục vụ, tối ưu hóa các hình thức truyền thông, quảng bá...
Phát huy vai trò 'nòng cột' của giáo dục thường xuyên
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định vai trò lịch sử của GDTX trong quá khứ, đó là lịch sử dài, vẻ vang và có đóng góp to lớn cho đất nước; từ phong trào xoá mù chữ, bình dân học vụ ngay khi đất nước giành độc lập, tới hình thành các trường bổ túc văn hoá và sau đó là hệ thống GDTX.
Xã hội càng phát triển, nhu cầu học tập càng đa dạng thì vị trí của GDTX càng trở nên quan trọng. Do đó, các Trung tâm cần điều chỉnh về nhận thức về công việc của mình. Từ Bộ, Sở, đến các trung tâm cần có kế hoạch để đổi mới mảng hoạt động này, để cung cấp nguồn nhân lực trong tương lai.
Khẳng định hệ thống GDTX có rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò "nòng cột" của GDTX trong rất nhiều lĩnh vực. Trong quá khứ, GDTX đã làm nòng cột cho phong trào Bình dân học vụ, xóa mù chữ. Hiện nay, GDTX cần làm nòng cột cho việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Hệ thống các trung tâm GDTX, hoạt động GDTX phải là nòng cột, là chỗ dựa cho hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; là nòng cột thực hiện phong trào bình dân học vụ mới là "Xóa mù số". Cùng với đó, GDTX là nòng cột, cùng toàn bộ hệ thống giáo dục tích cực triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
“Rất mong các đồng chí lãnh đạo Sở, lãnh đạo các Trung tâm GDTX, GDNN-GDTX chủ động đề xuất chính sách, mô hình, mạnh dạn đổi mới, thí điểm đổi mới. GDTX cần điều chỉnh tâm thế, tư duy, cách làm, bắt tay chuẩn bị cho giai đoạn đổi mới sắp tới”, Bộ trưởng chia sẻ.
Tổng hợp các nhóm vấn đề lớn được quan tâm trao đổi và kiến nghị tại hội nghị như vai trò của Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN-GDTX, quản trị mô hình GDTX, chính sách, định biên giáo viên, mô hình quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, chuyên môn, học liệu số..., Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT ghi nhận, tổng hợp giải đáp và tham mưu chính sách phù hợp trong thời gian tới.