(GD&TĐ) - Ngày 23/6, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và sơ kết 4 năm thực hiện Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn phát biểu kết luận Hội nghị. |
Đánh giá tình hình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) báo cáo: Trong 5 năm qua, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cơ bản đã thực hiện tốt việc cung cấp thông tin định kỳ bằng các hình thức: tổ chức họp báo, cung cấp thông tin trên mạng điện tử, bằng văn bản hoặc báo cáo tại giao ban báo chí hàng tuần. Văn phòng Chính phủ đều đặn hàng tháng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, cơ quan nganh bộ cũng phối hợp thường xuyên với Cổng thông tin điện tử Chính phủ trả lời theo quy định của pháp luật về việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức và cá nhân liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước. Đặc biệt, khi có sự kiện, vấn đề quan trọng gây tác động lớn trong xã hội thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình thì đã thực hiện việc cung cấp thông tin chính thống để báo chí thông tin đến người dân. Nhất là những vấn đề có tác động đến đời sống người dân như: tiền tệ, giá cả, bệnh dịch…thì việc có ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính đã có tác dụng ổn định tâm lý xã hội. Đồng thời, các bộ, ngành cũng đã thực hiện hiệu quả trong việc phản hồi thông tin không chính xác trên báo chí bằng cách cung cấp thông tin chính thống và đã giúp cơ quan báo chí phản hồi, cải chính thông tin với thông tin không chính xác.
Báo cáo tổng kết cũng nêu rõ tình hình thực hiện quy chế tại địa phương: Bên cạnh, UBND tỉnh, thành chủ trì các hội nghị cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương; thì các Sở TT&TT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức giao ban báo chí định kỳ để cung cấp, trao đổi, định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí trong tỉnh và các cơ quan thường trú, đại diện các báo trung ương trên địa bàn. Việc cung cấp thông tin đột xuất, bất thường cũng được thực hiện theo quy định. Những vấn đề được báo chí phát hiện, những thông tin trái chiều được báo chí nêu liên quan đến ngành, lĩnh vực của các đơn vị địa phương đều được làm rõ thông qua các hình thức trả lời bằng văn bản, họp báo, hội nghị giao ban báo chí…Những vấn đề, thông tin báo chí nêu thiếu khách quan, sai sự thật đều được đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính và xử lý nghiêm theo quy định.
Báo cáo nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí như: Việc thực hiện quy chế không đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị. Người phát ngôn của các cơ quan, đơn vị đều kiêm nhiệm, khối lượng công tác chuyên môn lớn. Mặt khác, người phát ngôn lại không nắm rõ hoặc chưa am hiểu về lĩnh vực báo chí; chưa được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nên còn nhiều lung túng, e dè, thậm chí còn né tránh trong việc cung cấp thông tin. Ở một số cơ quan, đơn vị, người phát ngôn do thuyên chuyển, thay thế nên chưa nắm rõ đầy đủ công việc của cơ quan, đơn vị mới dẫn đến tình trạng bị động trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Trong khí đó, không có bộ phận giúp việc về vấn đề này nên hiệu quả công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có tâm lý ngại tiếp xúc hoặc trả lời những vấn đề liên quan đến địa phương mình. Đối với các vụ tiêu cực, vi phạm việc tiếp cận càng khó hơn, các cơ quan liên quan thường tìm cách né tránh, khất lần.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu tham gia đóng góp ý kiến mang tính giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề còn vường mắc trong quá trình thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Trong đó, tập trung một số nội dung như: Các cơ quan hành chính nhà nước cần có người phát ngôn chuyên nghiệp, hạn chế tình trạng kiêm nhiệm gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả cung cấp thông tin. Cần thành lập phòng hoặc bộ phận giúp việc cho người phát ngôn; đồng thời, các cơ quan cần có người thay thế người phát ngôn để cung cấp thông tin cho báo chí để đảm bảo tính thường xuyên, liên tục của công việc cung cấp thông tin. Việc cung cấp thông tin cho báo chí cần đảm bảo tính kịp thời, chính xác, đầy đủ, toàn diện, tránh hiện tượng chỉ có lợi cho cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhằm đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời trong cung cấp thông tin chó báo chí. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng, trang bị kiến thức về nghề báo, kỹ năng tiếp xúc và trả lời báo chí cho đội ngũ người phát ngôn…
Quang cảnh Hội nghị. |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn nhận định: Qua nội dung các tham luận, báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương, đơn vị về cơ bản các ý kiến tán thành với nội dung Quyết định 77/2007/QĐ-TTG của Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Trong 5 năm qua, việc triển khai thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có tác động tích cực đến hoạt động báo chí. Những thành tích và kết quả đạt được hết sức cơ bản, phát huy được tính hiệu quả của quy chế phát ngôn. Đó là sự thay đổi nhận thức của các cấp, ngành, cơ quan hành chính nhà nước. Việc thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin đã dần dần đi vào nề nếp. Báo chí đã có điều kiện tiếp cận thông tin chính thống nhanh, kịp thời và toàn diện hơn.
Thứ trưởng Đỗ Quý Doàn lưu ý, các Bộ, cơ quan nganh Bộ, các cấp, ngành địa phương tiếp tục góp ý chỉnh sửa bổ sung cho Dự thảo quyết định về ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí nhằm thay thế dung Quyết định 77/2007/QĐ-TTG ngày 28/5/2007 của Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Theo đó, các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục hoàn thiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cần có chế độ chính sách nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của người phát ngôn và chế tài đối với người phát ngôn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Đại Thắng