Chia sẻ nguồn lực trong khối ĐHQG
Việc đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học thành viên trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, quản lý và quan hệ đối ngoại là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM).
Với mục tiêu trên, đầu tháng 4/2018, 3 đơn vị thành viên của ĐHQG TPHCM gồm ĐH Quốc tế (HCMIU), Đại học Công nghệ thông tin (CNTT) và Khoa Y - ĐHQG TPHCM đã có buổi ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng các chương trình đào tạo mới cũng như các hoạt động hợp tác khác nhằm tối ưu nguồn lực của các bên và quan trọng hơn là tăng cường sức mạnh hệ thống của ĐHQG TPHCM.
Theo đó, ĐH CNTT có thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin trình độ cao, trong khi đó HCMIU lại có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, kinh nghiệm xây dựng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh nhiều năm. Hai trường sẽ cùng nhau phối hợp xây dựng và đào tạo bậc cử nhân của chương trình khoa học dữ liệu.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện kể trên, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, giám đốc ĐHQG TPHCM đã bày tỏ sự vui mừng khi ba thành viên đã có những hợp tác chặt chẽ với nhau. Ông nhấn mạnh đây là kết quả của nhiều năm làm việc và đến nay trong ĐHQG-HCM đã hình thành văn hóa hợp tác.
Liên kết giúp sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành có cơ hội tiếp cận với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại của HCMUTE |
Xu hướng mới của giáo dục đại học
Không chỉ riêng các thành viên trong khối ĐHQG, xu hướng hợp tác giữa các trường ĐH trong nước thời gian gần đây đã phát triển mạnh mẽ với nhiều thỏa thuận liên tục được ký kết. Đơn cử như thỏa thuận ký kết hợp tác toàn diện trong mọi lĩnh vực của ĐH Nguyễn Tất Thành với ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) vì mục tiêu phát triển chung của cả 2 trường.
Việc các trường mở rộng hợp tác và chia sẻ nguồn lực là hướng đi đúng đắn và cực kỳ quan trọng trong việc hình thành mạng lưới các trường đại học có chất lượng đào tạo cao, đồng bộ và rộng khắp ở nước ta. Đây là sự hợp tác có lợi ích 3 bên. Trong đó, các trường ĐH có cơ hội phát huy tối đa tiềm lực của mình trong hệ thống giáo dục, bổ sung và nâng cấp những hạn chế còn tồn tại.
Giảng viên có thêm cơ hội cống hiến cho khoa học cũng như giảng dạy, nâng cao năng lực và thu nhập cho mình. Học sinh, sinh viên và học viên chắc chắn là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng liên kết và hợp tác này. Các em được học những chương trình hiện đại, chuyên sâu và cao cấp hơn, được trang bị kiến thức và kỹ năng tốt hơn để sẵn sàng cho việc hòa nhập và làm việc ở các nơi trong khu vực và trên thế giới.
Sinh viên là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động liên kết của các trường ĐH |