Phát huy nét đẹp văn hóa Hà Thành qua tiết học trải nghiệm

GD&TĐ - Học sinh hào hứng tham gia hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Tham gia hoạt động xã hội - Tôn vinh Giá trị nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống”.

Học sinh Trường Tiểu học CLC Tràng An hào hứng tìm hiểu về tranh dân gian Hàng Trống.
Học sinh Trường Tiểu học CLC Tràng An hào hứng tìm hiểu về tranh dân gian Hàng Trống.

Thực hiện kế hoạch năm học 2024-2025, Trường Tiểu học CLC Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tổ chức chuyên đề Hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Tham gia hoạt động xã hội - Tôn vinh Giá trị nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống”. Bài dạy được thực hiện bởi cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Hạnh.

Dự tiết dạy có đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Trống, đại biểu đến từ Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Học viện Báo chí tuyên truyền. Đặc biệt có sự hiện diện của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người duy nhất còn "giữ lửa" cho nghề vẽ tranh dân gian Hàng Trống.

hang Trong 5.jpg
Học sinh hào hứng với tiết học trải nghiệm tìm hiểu văn hóa Hà Nội.
Hang Trong 3.jpg
Cô và trò cùng suy nghĩ để biến tình yêu với tranh dân gian Hàng Trống thành những việc làm thiết thực.

Trong tiết học, học sinh được chiêm ngưỡng những bức tranh dân gian Hàng Trống. Việc áp dụng kĩ thuật dạy học “trạm”, kết hợp sử dụng thiết bị hiện đại giúp mỗi học sinh chỉ trong một thời gian ngắn đã tự tìm hiểu được để nhớ tên, hiểu nội dung các bức tranh như: Thất đồng - Tam đa; Tố Nữ; Tứ bình; Canh nông vi bản, Lý ngư vọng nguyệt, Tam phủ công đồng và Tứ phủ công đồng; Mẫu thượng ngàn và Ngũ hổ thần tướng,… biết được hai nhánh chính của dòng tranh này là tranh thờ và tranh trang trí.

Điểm nhấn trong tiết học là học sinh được gặp gỡ, trò chuyện cùng nghệ nhân Lê Đình Nghiên - người duy nhất hiện đang giữ lửa cho các bức tranh dân gian Hàng Trống. Nhờ ông, những họa tiết của tranh dân gian Hàng Trống được tái hiện, giúp những chiếc quạt, tà áo dài trở nên độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tiết học có những phút giây lắng đọng khi cả cô và trò cùng suy nghĩ để biến tình yêu với tranh dân gian Hàng Trống thành những việc làm thiết thực nhằm lưu giữ và tôn vinh giá trị nghệ thuật của dòng tranh này nói riêng và giá trị văn hóa địa phương nói chung.

Qua tiết học, các em học sinh đã trình bày những ý tưởng thú vị để áp dụng vào cuộc sống như: Sử dụng họa tiết trong tranh để trang trí áo dài, làm các sản phẩm lưu niệm; trở thành hướng dẫn viên du lịch giới thiệu các bức tranh dân gian này đến bạn bè trong nước và quốc tế; lập fanpage Tranh dân gian Hàng Trống để dòng tranh này được nhiều người biết đến...

Hang Trong 1.jpg
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên giới thiệu tranh Hàng Trống cho các em học sinh.
Tim hieu.jpg
Cô trò cùng tìm hiểu về tranh dân gian Hàng Trống.

Kết thúc buổi học, các em được các thầy cô tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tổ chức tham gia vẽ màu tranh dân gian Hàng Trống ngay tại không gian đình Nam Hương, một không gian nhuốm màu sắc văn hoá dân gian. Hoạt động này thật sự ý nghĩa, là cơ hội để các em khám phá và cảm nhận nét đẹp tinh hoa của nghệ thuật dân gian Việt Nam.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Hạnh bày tỏ tin tưởng qua bài học, các học sinh sẽ tiếp thu được những kiến thức bổ ích, có những việc làm thiết thực để kết nối tranh dân gian Hàng Trống với cuộc sống hiện đại, mang hơi thở dân gian vào đời sống. Cả cô và trò cam kết cùng chung tay bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của đất Hà Thành hướng tới kỉ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô.

Sau tiết học, học sinh còn hiểu rõ hơn con phố Hàng Trống, lịch sử hình thành và phát triển của tranh dân gian Hàng Trống, các công đoạn làm tranh công phu đã tạo nên những đặc điểm độc đáo của dòng tranh này. Từ đó khơi dậy cho học sinh sự yêu thích, trân trọng đối với nét đẹp văn hóa, ý thức được sự cần thiết của việc giữ gìn, duy trì và bảo tồn dòng tranh dân gian này - đó cũng là mục tiêu mà bài học hướng đến.

Bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - đánh giá cao nội dung của bài giảng, ghi nhận sự nỗ lực của thầy trò trường Tiểu học CLC Tràng An trong việc lên kế hoạch dạy các tiết học gắn liền với các hoạt động trải nghiệm nhằm tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Tiết dạy là cơ hội để các giáo viên được học hỏi, bồi dưỡng thêm chuyên môn trong quá trình giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ