Bà Hana Foldynova, 76, được chuyển tới tới bệnh viện vì bị đi tiểu ra máu. Ban đầu các bác sĩ ở bệnh viện nghĩ rằng nguyên nhân là do huyết khối ở thận, nhưng sau đó họ đã tìm thấy con sán sống ở một bên thận của bệnh nhân và một con sán thứ hai ở bàng quang.
Mặc dù đã được phẫu thuật lấy ra những con ký sinh trùng này, song bệnh nhân ngày càng nặng sau ca mổ và đã không qua khỏi.
Con sán được lấy ra từ thận của bà Foldynova được xác định là sán thận, một loại ký sinh trùng chủ yếu nhiễm ở chó, nhưng đôi khi cũng thấy ở người.
BS. Ivo Odstrcil, trưởng khoa tiết niệu của bệnh viện cho biết nhiễm ký sinh trùng thường xảy ra sau khi ăn cá không nấu chín kỹ.
Sán thận có tên khoa học Dioctophyme renale, có màu đỏ máu và là một trong những loại sán tròn ký sinh lớn nhất. Sán thận thường xảy ra ở thận và hay gặp ở bên phải hơn bên trái. Sự có mặt của sán ở thận dẫn đến phá hủy mô thận, khiến vỏ bao thận giãn căng, dày lên, chứa sán, dịch và một mảnh cứng như xương. Cách điều trị duy nhất là phẫu thuật.
Trứng sán sau khi đi ra ngoài qua nước tiểu của vật chủ cuối cùng sẽ phát triển trong nước đến giai đoạn gây nhiễm (1-7 tháng). Khi trứng ở giai đoạn gây nhiễm được giun đất Oligochaete annelid ăn vào, nó sẽ nở và phát triển trong thời gian khoảng 100 ngày thành ấu trùng giai đoạn ba.
Lúc này nếu ếch hoặc cá ăn phải, ấu trùng giai đoạn ba sẽ hình thành nang sán trong những vật chủ trung gian này. Khi vật chủ cuối cùng (người, chó hoặc các động vật khác) ăn phải giun, ếch hoặc cá có chứa nang sán, ấu trùng sẽ đi qua thành ruột, phát triển một thời gian trong ổ bụng và cuối cùng đi vào thận phải. Sán sẽ trưởng thành ở thận và phá hủy nhu mô thận. Trứng sán sẽ nằm ở thận và thải ra ngoài theo nước tiểu.