Chiếc răng, trong đó phần đầu chóp bị sứt, có chiều dài khoảng 5,5 cm, được phát hiện gần bãi biển Chesil ở Dorset. Các nhà khảo cổ học gọi sinh vật sở hữu chiếc răng hóa thạch này là Dakosaurus maximus.
Hóa thạch này được các nhà nghiên cứu thuộc đại học Edinburgh và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London xác định, sau khi hóa thạch này được mua tại một phiên đấu giá trực tuyến bởi một nhà sưu tập hóa thạch.
Các nhà khoa học cho biết, trường hợp tìm ra hóa thạch này là rất bất thường, người ta nạo vét được hóa thạch này từ đáy biển thay vì tìm thấy trên bờ biển hoặc khai quật từ dưới đất như thông thường.
Sau khi được xác định bởi các nhà cổ sinh vật học của Anh, hóa thạch này đã được đưa vào bộ sưu tập hóa thạch của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên.
Dakosaurus maximus khi trưởng thành có chiều dài khoảng 4,5 m, sống trong vùng biển nông bao phủ khu vực châu Âu khoảng 152 triệu năm trước. Loài này thuộc về một họ động vật biển có tên là thalattosuchians, họ hàng của cá sấu ngày nay.
Hình dạng bất thường của hộp sọ và răng của loài động vật này cho phép nó ăn con mồi tương tự với cách ăn của cá voi sát thủ hiện đại. Loài sinh vật cổ đại này sẽ sử dụng hàm ngắn và rộng để nuốt cả con cá lớn và cắn các khúc thịt từ những con mồi lớn hơn.
Nghiên cứu của nhóm nghiên cứu trên được xuất bản trên tạp chí khoa học Historical Biology.
TS Mark Young (Trường Khoa học sinh vật học - Trường Đại học Edinburgh) nói: “Với kích cỡ của nó, Dakosaurus có răng rất to. Tuy nhiên, nó không phải là động vật biển ăn thịt lớn nhất ở thời điểm nó sinh sống, và có thể bơi cùng các bò sát biển lớn hơn, làm cho biển cạn giai đoạn cuối kỷ Jura thực sự rất nguy hiểm”.