Phát hiện nước ở xa nhất trong vũ trụ

Phát hiện nước ở xa nhất trong vũ trụ

(GD&TĐ) - Nhờ hệ thống kính thiên văn ALMA, các nhà khoa học đã phát hiện ra phân tử nước ở khu vực xa xôi trong vũ trụ. Hơn nữa, những nghiên cứu đã kéo lùi thời điểm “bùng nổ hình thành sao” về quá khứ hàng tỷ năm.

Một loạt công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature và Astrophysical Journal số ra gần đây đã giới thiệu những kết quả đạt được nhờ hệ thống kính thiên văn ALMA. Những kết quả này liên quan đến khoảng cách những thiên hà xa nhất và sự hiện diện của nước trong vũ trụ.

Các nhà thiên văn học cho rằng những quá trình hình thành sao mãnh liệt nhất xảy ra trong giai đoạn sớm của vũ trụ. “Sự bùng nổ sao” này thể hiện trong các thiên hà khổng lồ, sáng chói, gọi là thiên hà tạo sao.

Phát hiện nước ở xa nhất trong vũ trụ ảnh 1

Một nhóm các nhà thiên văn học đã quan sát dạng thiên hà này ở vùng ngoại vi vũ trụ thông qua kính viễn vọng South Pole Telescope (SPT), sau đó họ sử dụng hệ thống kính thiên văn ALMA để nghiên cứu tỉ mỉ 26 thiên hà tạo sao. Các đối tượng được quan sát trên bước sóng khoảng 3 mm.

Hóa ra, nhiều thiên hà tạo sao còn ở xa hơn so với vị trí mà các nhà khoa học vẫn nghĩ. Sự chênh lệch khoảng cách là đáng kể, bởi các thiên hà bị “dịch chuyển” đi 1 tỷ năm ánh sáng. Điều đó có nghĩa là những quá trình hình thành sao mãnh liệt trong các thiên hà đó diễn ra sớm hơn 1 tỷ năm.

Các nhà khoa học đánh giá quá trình tạo sao mãnh liệt xảy ra từ 12 tỷ năm trước, tức là vào thời kỳ mà tuổi của vũ trụ ít hơn 2 tỷ năm.

Hai trong số các thiên hà được nghiên cứu hóa ra là hai đối tượng ở xa nhất trong vũ trụ. Chúng phát ra ánh sáng khi mà vũ trụ mới có 1 tỷ năm tuổi. Một trong hai thiên hà còn có dấu hiệu chứng tỏ có sự tồn tại của các phân tử nước- đây là những phân tử nước ở xa nhất trong vũ trụ.

Thu Nga (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ