Phát hiện nhiều “giấy thông hành” giả

GD&TĐ - Kiểm tra giấy đi đường, phiếu kết quả xét nghiệm Covid-19 là biện pháp cần thiết đang được nhiều tỉnh, thành phố áp dụng hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19.

Trong thời gian giãn cách xã hội tại TP Hà Nội thì người dân tham gia giao thông phải xuất trình giấy đi đường.
Trong thời gian giãn cách xã hội tại TP Hà Nội thì người dân tham gia giao thông phải xuất trình giấy đi đường.

Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý của người tham gia thông cần “giấy thông hành” đã xuất hiện tình trạng làm giả, mua bán sử dụng các loại giấy tờ để “thông chốt” kiểm dịch.

Mua 9 giấy đi đường giá 12 triệu đồng

Ngày 11/8, Công an quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) cho biết đang thụ lý điều tra vụ phát hiện 3 thanh niên mua 9 giấy đi đường ở cửa hàng cầm đồ. Trước đó (ngày 6/8), tại chốt phòng chống dịch Covid-19 ở đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình lực lượng chức năng quận Thanh Xuân phát hiện 3 trường hợp sử dụng giấy đi đường để qua chốt có biểu hiện nghi vấn.

Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã đưa về trụ sở Công an phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) để xác minh. Bước đầu, danh tính 3 thanh niên được xác định là T.Đ.L (SN 1993), Đ.V.B (SN 1987) và Đ.H.T (SN 1993) cùng trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Tại cơ quan công an, 3 thanh niên trên khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại... một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng, quận Đống Đa. Công an quận Thanh Xuân đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Làm giả phiếu kết quả xét nghiệm Covid-19

Ngày 10/8, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bắc Ninh) cho biết, đã triệt phá đường dây làm giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Cơ quan Công an đang đấu tranh đối với 9 đối tượng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Cầm đầu đường dây là Phan Đình Hải, 25 tuổi, ở xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ. Do là lái xe tải chở hàng đi các tỉnh và cần có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 để đi qua các chốt kiểm dịch, nên Hải đã nghĩ cách làm giả phiếu kết quả xét nghiệm của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

Cụ thể, Hải đã sử dụng phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 giả để qua các chốt kiểm soát dịch và bán cho nhiều người thu lời bất chính khoảng 20 triệu đồng.

Trong đó, có Nguyễn Bá Tú, 34 tuổi, ở xã Mộ Đạo (huyện Quế Võ) với giá 180 nghìn đồng đối với phiếu xét nghiệm nhanh và 500 nghìn đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR. Sau đó, Tú tiếp tục bán lại cho các tài xế ô tô với giá 200 nghìn đồng đối với phiếu xét nghiệm nhanh và từ 600 – 650 nghìn đồng đối với phiếu xét nghiệm PCR.

Các tài xế ô tô đã sử dụng phiếu xét nghiệm giả mua của Hải và Tú để đi qua các chốt kiểm dịch. Khi phiếu hết hạn sử dụng thì nộp cho công ty để được hoàn lại tiền xét nghiệm.

Hành vi này làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Hiện, phòng Cảnh sát hình sự đã thu hồi tang vật vụ án gồm 1 bộ máy vi tính, 1 dấu tròn của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ, 1 dấu thu tiền cùng nhiều tang vật liên quan. Tiếp tục đấu tranh mở rộng, khẩn trương hoàn tất hồ sơ để đưa các đối tượng ra xử lý trước pháp luật.

Phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 giả.
Phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 giả.

Hành vi vi phạm pháp luật

Trao đổi với Báo GD&TĐ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, người nào làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức hoặc sử dụng tài liệu con dấu giả thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Đối với những vụ việc mua giấy xét nghiệm Covid-19 giả hoặc mua giấy đi đường giả để qua mặt cơ quan chức năng thì cả người bán, người mua và người làm ra những giấy tờ giả đó thì đều là người vi phạm pháp luật, hành vi là làm giấy tờ, con dấu giả hoặc sử dụng giấy tờ giả…”, luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức bao gồm hai hành vi có thể riêng biệt hoặc đồng thời là hành vi làm giả con dấu và hành vi làm giả tài liệu. Chỉ cần thực hiện một trong các hành vi làm giả tài liệu hoặc làm giả con dấu là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định, từ hai người trở lên có ý chí thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì được xác định là đồng phạm.

“Đối tượng cần giấy đi đường, giấy xét nghiệm Covid-19 nên đã lên mạng hỏi mua, cung cấp thông tin để các đối tượng làm giả giấy tờ này. Sau đó, nhận giấy tờ, chưa cần sử dụng mà bị cơ quan chức năng phát hiện thì cũng sẽ xử lý người đặt mua về hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức với vai trò chủ mưu.

Người khởi xướng ra việc làm giả giấy tờ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả với vai trò chủ mưu. Còn đối tượng trực tiếp làm ra giấy tờ tài liệu giả là người thực hiện hành vi và cũng bị xử lý cùng về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức…”, luật sư Cường lấy ví dụ.

Luật sư Cường cũng phân tích đối với trường hợp người mua các loại giấy tờ trên chỉ có con dấu và giấy tờ mẫu. Sau đó, người mua tự điền thông tin cá nhân mình vào giấy tờ để sử dụng thì đây cũng là hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức.

“Đối với hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức cấu thành tội phạm khi người sử dụng biết rõ đây là giấy tờ giả nhưng vẫn sử dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật. Hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức và sử dụng giấy tờ giả được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015…”, luật sư Cường lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.