Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã xem xét những người bị mắc biến thể Delta, còn được gọi là B.1617.2. Họ phát hiện ra rằng, nó tạo bản sao của chính mình nhanh hơn và có thời gian ủ bệnh ngắn hơn các chủng trước đó.
Điều này giải thích vì sao số ca mắc biến thể Delta ở Mỹ tăng theo cấp số nhân, từ 10% tổng số ca nhiễm vào giữa tháng 6 lên 83,2% số ca nhiễm mới vào giữa tháng 7, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Delta đã được Ấn Độ dãn nhãn là “đột biến kép” vì mang 2 đột biến: L452R và E484Q. Cả 2 đột biến này đều diễn ra trên các phần quan trọng của virus, cho phép nó xâm nhập và lây nhiễm các tế bào của người.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xem xét 62 bệnh nhân Covid-19 trong đợt bùng phát đầu tiên của biến thể Delta ở Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông từ ngày 21/5 đến 18/6. Họ so sánh mức độ virus với 63 bệnh nhân nhiễm một chủng trước đó vào năm 2020.
Kết quả cho thấy khi biến thể Delta lây nhiễm cho ai đó, nó sẽ tự tạo ra các bản sao của chính mình, cho phép nó lây lan khắp cơ thể nhanh hơn.
Những người bị nhiễm đột biến trên có lượng virus cao hơn 1.000 lần. Tức là chúng có bản sao nhiều gấp 1.000 lần trong đường hô hấp so với những người bị nhiễm chủng ban đầu.
Thời kỳ ủ bệnh, là khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với virus tới khi có triệu chứng, cũng ngắn hơn khi mắc Delta. Nghiên cứu cho thấy những người mắc biến thể Delta chỉ mất khoảng 4 ngày để bắt đầu các triệu chứng như ho và sốt. Trong khi đó, chủng ban đầu phải mất 6 ngày.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu thấy rằng biến thể Delta lây lan nhanh từ 2-3 lần so với virus gốc phát hiện ở Vũ Hán vào tháng 12/2019.
Các tác giả cho rằng đối với biến thể Delta, cần tối ưu hóa việc sàng lọc quần thể để can thiệp, ngoài ra cần cách ly kịp thời các ca nhiễm đáng ngờ hoặc tiếp xúc gần trước khi sàng lọc.