Phát hiện mới khi xét nghiệm phổi của bệnh nhân tử vong vì COVID-19

Phát hiện mới khi xét nghiệm phổi của bệnh nhân tử vong vì COVID-19

Ngày 19/2

Theo Bloomberg, sau khi khám nghiệm tử thi một bệnh nhân nam giới 50 tuổi tử vong do Covid-19tại Trung Quốc, các bác sĩ cho biết phổi của bệnh nhân này có những tổn thương tương tự như 2 loại virus SARS và MERS gây ra.

Bệnh nhân 50 tuổi qua đời tại Trung Quốc vào ngày 27/1 vì virus corona sau 2 tuần điều trị. Tim bệnh nhân ngừng đập sau khi bị tổn thương phế nang.

Các xét nghiệm máu của bệnh nhân đã tử vong vì Covid-19 cho thấy một loại tế bào chịu trách nhiệm chống lại nhiễm trùng đã hoạt động quá mức và gây ra tổn hại lớn cho hệ miễn dịch của bệnh nhân.

Theo nghiên cứu của The Lancet, các triệu chứng bệnh lý của Covid-19 rất nhiều điểm tương đồng với SARS và MERS. Ngoài ra, mẫu sinh thiết gan của bệnh nhân cho thấy ông bị gan nhiễm mỡ độ trung bình.

Hình ảnh X-quang của bệnh nhân cho thấy phổi bị tổn thương nhanh và có một số điểm khác biệt giữa hai bên phổi. Ngoài ra, các thay đổi mô học trong tim khiến các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết bộ phận này bị virus Covid-19 tàn phá.

Nghiên cứu trường hợp của bệnh nhân Trung Quốc đã cung cấp góc nhìn sâu sắc hơn về tác hại của Covid-19 với người nhiễm. Các phân tích như trên thực hiện khá khó khăn bởi dữ liệu của tử thi hoặc sinh thiết hầu như không có sẵn hoặc không được phép thâm nhập.

Mất đi lớp bảo vệ đó, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập. Cách thức tấn công này khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 bị viêm cả hai lá phổi, đi kèm triệu chứng khó thở, giáo sư Frieman cho biết.

Ngày 17/2

Trung Quốc sản xuất lô thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên

Theo China Daily đưa tin, Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc đã cho phép bán ra thị trường thuốc chống Covid-19 chủng mới có tên Favilavir. Một loại thuốc chống sốt rét cũng được bổ sung vào phác đồ điều trị các bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc.

Thông tin này được chính quyền thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc công bố vào hôm 16/2.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 2

Các nhà khoa học Trung Quốc đẩy nhanh nghiên cứu chế tạo thuốc chống virus nCoV. Ảnh: AFP.

Favilavir, hay còn được biết đến trước đây với tên gọi là Fapilavir, đã cho thấy hiệu quả khi dùng trong việc điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Đây là sản phẩm thuốc chống virus Covid-19 mới đầu tiên được cấp phép sản xuất ở Trung Quốc.

Thuốc này đã được Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia (Trung Quốc) phê duyệt để bán ra thị trường. Tuy nhiên chưa có thời gian cụ thể khi nào sản phẩm được tung ra thị trường.

Favilavir do Công ty Dược phẩm Hisun Chiết Giang phát triển và là một trong ba loại thuốc cho thấy hiệu quả rõ rệt trong điều trị, Bộ Khoa học và công nghệ Trung Quốc khẳng định. Loại thuốc này dự kiến sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị dịch bệnh.

Lô thuốc đầu tiên bắt đầu được sản xuất vào ngày 16/2 và được hi vọng sẽ sớm xuất hiện trên thị trường, góp phần hỗ trợ ngăn chặn dịch bệnh và tăng tỉ lệ chữa khỏi thành công.

Ngày 14/2

Huyết tương của người chữa khỏi COVID-19 có thể giúp điều trị những ca bệnh nặng

Theo tờ Beijing News đưa tin, Tập đoàn Kỹ thuật Sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG) đã công bố vào tối ngày 13/2 rằng các kháng thể trung hòa virus đã được phát hiện trong huyết tương của những bệnh nhân đã hồi phục sau khi mắc Covid-19, và các thí nghiệm đã chứng minh rằng huyết tương này có thể tiêu diệt virus một cách hiệu quả.

Theo Zhang Dingyu, Giám đốc bệnh viện Jinyintan Vũ Hán, kết quả ban đầu cho thấy hiệu quả của việc truyền máu từ các bệnh nhân chữa khỏi bệnh cho các ca nhiễm mới.

"Các kháng thể được tìm thấy trong huyết tương của một số bệnh nhân có thể chống lại Covid-19", ông Zhang nói, đồng thời kêu gọi các bệnh nhân phục hồi hiến máu để giúp đỡ các trường hợp vẫn đang phải điều trị.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 3

CNBG cho biết, họ đã chuẩn bị thành công các sản phẩm huyết tương miễn dịch đặc biệt và sẽ sử dụng trong việc điều trị lâm sàng các bệnh nhân nặng.

Các sản phẩm này điều chế từ huyết tương do những người khỏi bệnh hiến tặng và được chuẩn bị sau khi xử lý vô hiệu hóa virus, thực hiện các xét nghiệm trung hòa kháng thể chống nCoV và nhiều mầm bệnh, CNBG giải thích. Hơn 10 bệnh nhân đã đồng ý tiếp nhận phương pháp điều trị mới với huyết tương miễn dịch đặc biệt và tình trạng cải thiện đáng kể sau 12-24 tiếng.

Ngày 13/2

WHO công bố thời gian thử nghiệm vắc-xin chống COVID-19 trên người

Bà Swaminathan đánh giá kết quả diễn đàn toàn cầu của WHO về tình hình Covid-19 diễn ra ở Geneva ngày 11-12/2 với sự tham gia của khoảng 400 nhà khoa học trên toàn thế giới.

Kết thúc hội nghị các chuyên gia đã thỏa thuận nội dung ưu tiên trong công tác phòng chống căn bệnh mới, trong đó có việc tìm ra loại vắc-xin mới để chống virus.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 4

“Các ưu tiên trung hạn hướng đến việc phát triển vắc-xin và thuốc chữa trị căn bệnh này. Hiện nay các chuyên gia đang nghiên cứu được bốn loại vắc-xin có khả năng phát triển chống Covid-19. Có lẽ loại vắc-xin đầu tiên và thứ hai sẽ bắt đầu được thử nghiệm trên người sau 3 - 4 tháng nữa”, đại diện của WHO cho biết.

Bà Swaminathan cũng lưu ý: “Các nhà khoa học cũng thảo luận về khung thời gian để xác định loại vắc-xin nào nên được ưu tiên thử nghiệm. Như vậy, vắc-xin sẽ sẵn sàng trong 12 - 18 tháng”.

Ngày 12/2

WHO công bố tên chính thức của bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV

Rạng sáng 12/2, Bộ Y tế dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, WHO vừa công bố tên gọi chính thức của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (từng được tạm gọi là 2019-nCoV) là Covid-19. Tên gọi mới này rút gọn theo các từ "corona", "virus", "disease" (dịch bệnh) và 2019 (năm mà virus xuất hiện).

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 5

Virus Corona chủng mới có tên gọi chính thức là Covid-19 (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Theo WHO, tên gọi mới Covid-19 nhằm tránh liên hệ đến vị trí địa lý cụ thể, nhóm động vật hoặc người, và tránh tạo sự kỳ thị trong cộng đồng. Trong thông báo, WHO cũng dự báo vaccine ngừa Covid-19 sẽ sẵn sàng trong vòng 18 tháng nữa.

Hiện, WHO vẫn đang hối thúc các nước chia sẻ dữ liệu nhằm thúc đẩy nghiên cứu dịch bệnh Covid-19. Căn bệnh đã khiến 1.112 người tử vong (1.110 trường hợp tại Trung Quốc) trong tổng số 44.754 người nhiễm bệnh trên khắp thế giới, số liệu do Bộ Y tế cập nhật đến 6h sáng 12/2.

Ngày 11/2

Chuyên gia Trung Quốc: Virus corona mới có thể ủ bệnh lên tới 24 ngày 

Theo The Paper, nhóm nghiên cứu do nhà dịch tễ học nổi tiếng Trung Quốc Zhong Nan-shan, hiện đang công tác tại Phòng thí nghiệm nhà nước về bệnh hô hấp ở Quảng Châu đã phát hành một tài liệu nghiên cứu mang tên "Đặc điểm lâm sàng của nhiễm trùng virus corona mới ở Trung Quốc 2019".

Theo kết quả nghiên cứu này, thời gian ủ bệnh trung bình là 3 ngày, ít hơn so với con số 5 ngày được đưa ra trong một cuộc nghiên cứu khác được tiến hành gần đây. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thời gian ủ bệnh tối đa là 24 ngày, trong khi trước đó các chuyên gia y tế cho biết virus corona chủng mới có thời gian ủ bệnh chỉ từ 2-14 ngày.  

Theo Guan Weijie, một thành viên của nhóm nghiên cứu, chỉ trong một số ít trường hợp cá biệt, virus corona chủng mới mới có thời gian ủ bệnh lên tới 24 ngày. Do vậy, không cần thiết phải kéo dài thời gian cách ly đối với các bệnh nhân nghi nhiễm virus, hiện được giữ ở mức 2 tuần.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 6

Ông Zhong Nan-shan được công nhận là người góp phần lớn vào việc giúp khống chế dịch SARS tại Trung Quốc năm 2003.

Nghiên cứu dựa trên việc phân tích bệnh án của 1.099 bệnh nhân nhiễm virus Covid-19 chủng mới tại 552 bệnh viện trên toàn Trung Quốc, với độ tuổi trung bình là 47.

Trong các bệnh nhân này có 2,09% là nhân viên y tế, tỷ lệ người tiếp xúc với động vật hoang là 1,18%, tỷ lệ người đã từng tới thành phố Vũ Hán - nơi được xem là "tâm dịch" là 31,3% và và 71,8% từng tiếp xúc với người từ Vũ Hán. 1/4 trong số các bệnh nhân tham gia cuộc nghiên cứu có ít nhất một vấn đề về rối loạn sức khỏe từ trước.

Cũng theo nghiên cứu, các triệu chứng phổ biến ở người bệnh là sốt (87,9%) và ho (67,7%), trong khi tiêu chảy (3,7%) và nôn mửa (5%) hiếm gặp.

Ngày 10/2

Nhóm nghiên cứu ở Canada tạo ra khẩu trang phủ muối có thể tiêu diệt virus trong 30 phút

Hyo-Jick Choi, một kỹ sư y sinh và giáo sư tại Đại học Alberta, Canada cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã tạo ra một loại khẩu trang có thể tiêu diệt mầm bệnh có hại, thay vì chỉ chặn chúng với thành phần bí mật là muối ăn.

"Bởi vì cấu trúc phân tử của muối là tinh thể, các góc cứng, sắc nhọn của nó có thể làm hư hại virus, khiến chúng không thể tồn tại được", ông Choi nói.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 7

Hyo-Jick Choi cùng với học sinh Ilaria Rubin trong nhóm nghiên cứu tại Đại học Alberta.

Nhóm nghiên cứu của ông đã thử nghiệm khẩu trang phủ muối ở phòng thí nghiệm trong vài năm qua và phát hiện ra rằng chúng có thể làm bất hoạt ba chủng virus cúm. Nhóm nghiên cứu đã công bố những phát hiện ban đầu trên tạp chí Science Reports năm 2017.

Virus và mầm bệnh khác truyền qua không khí; trong các giọt như nước bọt hoặc đờm do ho, hắt hơi, nói hoặc thở; hoặc bám trên bề mặt.

Các giọt bắn mang coronavirus có thể lưu trên bề mặt khẩu trang, ông Choi cho biết, thử thách kỹ thuật lớn nhất của loại khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N95 là không thể diệt virus trên bề mặt, do đó làm tăng khả năng truyền nhiễm do tiếp xúc.

Khi giọt bắn mang virus chạm vào khẩu trang tẩm muối, nó sẽ hấp thụ muối ăn. Khi chất lỏng này bay hơi, còn lại virus và tinh thể muối. Tinh thể này đã làm hư hại víu. Quá trình này diễn ra khi nước bay hơi. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy virus đã bị bất hoạt trong vòng 5 phút, và hư hại trong vòng 30 phút. 

Ngày 8/2

Nghiên cứu của Trung Quốc phát hiện tê tê có thể là vật trung gian lây truyền virus corona mới.

Theo tờ Tân Hoa xã, nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Thí nghiệm Khoa học và Công nghệ, Đại học Nông nghiệp Hoa Nam đã công bố phát hiện mới trong việc nghiên cứu chủng mẫu được phân lập từ tê tê tương thích với chủng mới virus corona đến 99%.

Phát hiện này được công bố tại buổi họp báo sáng 7/2 về tình hình dịch bệnh viêm phổi do nCoV, phòng ngừa và kiểm soát.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 8

Nghiên cứu của một trường đại học ở Trung Quốc cho biết tê tê có thể là vật trung gian lây truyền virus corona mới (2019-nCoV). Ảnh: Reuters

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích hơn 1.000 mẫu hệ gene cộng đồng của nhiều loài động vật hoang dã có khả năng mang virus corona chủng mới. Sau đó, thông qua các xét nghiệm sinh học phân tử, kết quả cho thấy tỉ lệ dương tính với β CoV ở loài tê tê là 70%.

Tiếp tục tiến hành phân lập và quan sát virus dưới kính hiển vi điện tử và giải mã trình tự gene, nhóm tìm thấy sự tương đồng về trình tự gene giữa virus corona ở tê tê và chủng virus lây nhiễm sang người, lên tới 99%.

Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả này là bước đột phá trong việc truy xuất nguồn gốc các vật chủ trung gian tiềm năng của nCoV, tê tê có thể là vật chủ trung gian tiềm năng truyền nhiễm virus corona chủng mới. Giáo sư Liu Yahong, phó Giám đốc điều hành phòng thí nghiệm, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết thêm phát hiện này sẽ hỗ trợ phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cũng như cung cấp tài liệu tham khảo khoa học cho các chính sách đối với động vật hoang dã.

Tuy nhiên, Dirk Pfeiffer, giáo sư y học thú y tại Đại học Thành phố Hồng Kông, cũng cho biết nghiên cứu này cần một chặng đường dài trong việc thiết lập mối liên hệ giữa tê tê và sự bùng phát virus corona mới ở người.

Ngày 7/2

Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới 

Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết Viện đã nuôi cấy và phân lập thành công chủng virus corona (nCoV) trong phòng thí nghiệm. Việc nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV.

Với việc này, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 9

Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới.

Hiện nay, Việt Nam đang có trên 1000 người từ Trung Quốc trở về và gần 500 người có tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, giám sát và chờ kết quả xét nghiệm.

Đây sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng chống loại virus này trong tương lai và cũng giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn.

Bộ Y tế cho biết đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn đảm bảo cung ứng đủ sinh phẩm cho việc xét nghiệm.

Ngày 6/2

Trung Quốc bổ sung thêm triệu chứng người nhiễm virus corona mới

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã mở rộng các hướng dẫn chẩn đoán để giúp xác định các bệnh nhân đã nhiễm Covid-19 mới.

Trong phác đồ điều trị cho người nhiễm Covid-19 vừa được cập nhật và công bố ngày 5/2, cơ quan này cũng cảnh báo rằng họ đang nghiên cứu xem liệu khí dung và đường tiêu hóa có phải là con đường lây truyền hay không sau khi tìm thấy dấu vết của Covid-19 trong phân của bệnh nhân.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 10

Các bác sĩ kiểm tra hình ảnh chụp CT của một bệnh nhân tại Bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán.

Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc cũng đã bổ sung thêm các vấn đề hô hấp vào danh sách những triệu chứng xuất hiện ở người nghi mắc bệnh.

Cơ quan này đồng thời mở rộng phân loại bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ 3 nhóm lên 4 nhóm, trong đó nhóm được cập nhật là những "ca bệnh nhẹ".

Theo South China Morning Post, những người trong nhóm bệnh nhẹ, có những triệu chứng nhẹ như sốt, mỏi mệt, ho và khó thở nhưng chưa có dấu hiệu viêm phổi vẫn cần được cách ly và điều trị để ngăn truyền nhiễm,

"Một số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nhưng vẫn có khả năng truyền nhiễm. Vì vậy, chúng tôi phải bổ sung thêm hạng mục nhẹ trong hướng dẫn cập nhật.", Li Xingwang, thành viên hội đồng chuyên gia của ủy ban, cho biết.

Ngày 5/2

Chuyên gia Trung Quốc công bố 2 loại thuốc có tác dụng đáng kể trong điều trị Covid-19 mới

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 11

Viện sĩ Li Lanjuan (đứng giữa) trao đổi các lựa chọn điều trị mới với các bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán.

Viện sĩ Li Lanjuan cho biết, theo các thử nghiệm sơ bộ, các thí nghiệm tế bào trong ống nghiệm cho thấy:

( 1) Arbidol (thuốc dùng để trị cúm) ở nồng độ 10 đến 30 micromol, so với nhóm đối chứng không được điều trị bằng thuốc, có thể ức chế hiệu quả coronavirus tới 60 lần và ức chế đáng kể tác dụng gây bệnh của virus trên tế bào.

(2) Ở nồng độ 300 micromol, darunavir (thuốc điều trị HIV) có thể ức chế đáng kể sự nhân lên của virus. So với nhóm không được điều trị, hiệu quả ức chế là 280 lần.

Viện sĩ Li Lanjuan cũng cho biết, thuốc chống AIDS Kelizhi có tác dụng kém đối với viêm phổi trong điều trị nhiễm trùng virus corona mới và có tác dụng phụ độc hại. Bà đề nghị hai loại thuốc nói trên nên được đưa vào "Chương trình chẩn đoán và điều trị viêm phổi do nhiễm trùng virus corona mới (Phiên bản thử nghiệm 6)" của Ủy ban Y tế Quốc gia.

Chen Zuobing, lãnh đạo Tập đoàn Chăm sóc Chuyên sâu Hồ Bắc của tỉnh Chiết Giang đồng thời là phó giám đốc Bệnh viện Đầu tiên của Đại học Chiết Giang nhắc nhở rằng "Hai loại thuốc này là thuốc theo toa và bệnh nhân phải uống theo hướng dẫn của bác sĩ . 

Ông cũng giới thiệu rằng hai loại thuốc này đã được sử dụng ở những bệnh nhân bị viêm phổi do nhiễm virus Covid-19 mới ở tỉnh Chiết Giang, và kế hoạch tiếp theo là sử dụng hai loại thuốc này để thay thế các loại thuốc kém hiệu quả khác.

Ngày 4/2

Virus corona biến thể bất thường trong ổ dịch gia đình

South China Morning Post đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra những biến thể bất thường của Covid-19 mới xảy ra trong quá trình lây truyền giữa các thành viên trong một gia đình.

Nghiên cứu mới của giáo sư Cui Jie và các đồng nghiệp tại viện Pasteur Thượng Hải về sự biến đổi của Covid-19 mới được đăng trên tạp chí National Science Review vào ngày 29/1.

Theo như các nghiên cứu trước đây, virus luôn đột biến, nhưng đa phần các thay đổi đều đồng nhất hoặc không đáng kể, tức là những thay đổi ấy có rất ít ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của virus. Tuy nhiên, thay đổi không đồng nhất sẽ cho phép virus thích nghi nhanh chóng với các môi trường khác nhau, khiến chúng nhanh chóng lây lan và thành đại dịch. 

Các nhà khoa học tại Trung Quốc đã nghiên cứu tình trạng lây lan của virus corona trong một gia đình tại tỉnh Quảng Đông và đã phát hiện ra sự thay đổi không đồng nhất tại đây.

Trong quá trình lây truyền từ người sang người, các gen của virus này trải qua một số thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của Cui Jie cũng đã phát hiện tổng cộng 17 đột biến không đồng nhất từ nhiều trường hợp trên khắp đất nước từ ngày 30/12 đến cuối tháng 1.

Mặc dù ảnh hưởng của các đột biến lên Covid-19 chưa được chứng minh, nhưng chắc chắn chúng có khả năng thay đổi cách thức hoạt động của loại virus này. 

Chia sẻ với The Paper, các chuyên gia của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quảng Châu cũng cho biết mọi người không nên quá hoang mang trước phát hiện mới này.

Bởi nhóm nghiên cứu của trung tâm mới phát hiện axit nucleic của Covid-19 mới trên tay nắm cửa chứ không phải là toàn bộ Covid-19 sống. Hơn nữa, việc phát hiện Covid-19 mới trong nhà bệnh nhân là điều dễ hiểu bởi dịch tiết của bệnh nhân có thể dính vào các đồ dùng gia đình khi không đeo khẩu trang hay rửa tay.

Ngoài ra, virus chỉ có thể truyền bệnh trong điều kiện sống, thời gian sống sót của nó chỉ là 48 giờ và hoạt động của nó trong không khí là khoảng 2 tiếng (theo Li Lanjuan, thành viên của Học viện Kỹ thuật Quốc gia). Do đó, các mẫu vật thu được lần này có thể chỉ là "xác chết" của virus.

Ngày 3/2

Trung Quốc phát hiện virus corona mới trên tay nắm cửa nhà bệnh nhân

Theo tờ Southern Metropolis Daily, ngày 3/2, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quảng Châu thông qua theo dõi và kiểm tra môi trường sống của các bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới đã phát hiện axit nucleic của virus 2019-nCoV xuất hiện trên tay nắm cửa của nhà bệnh nhân.

Phó giám đốc Zhang Zhoubin của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quảng Châu nói: "Theo như phát hiện của chúng tôi, axit nucleic của chủng Covid-19 mới xuất hiện trên tay nắm cửa. Điều này cho thấy chúng ta nhất định phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, và việc rửa tay là vô cùng quan trọng".

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Quảng Châu phát hiện axit nucleic của virus corona chủng mới (2019-nCoV) trên tay nắm cửa của nhà bệnh nhân.

Ngày 2/2

Thái Lan điều trị hiệu quả bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới bằng thuốc trị cúm và HIV

Theo tờ SCMP đưa tin, các bác sĩ ở Thái Lan đã xác nhận sự kết hợp giữa thuốc cảm cúm và thuốc kháng retrovirus thường được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân HIV có hiệu quả trong điều trị những bệnh nhân có kết quả dương tính với Covid-19 mới.

Phát hiện này được hai bác sĩ của Bệnh viện Rajavithi là Kriangsak Atipornwanich và Assoc Prof Subsai Kongsangdao xác nhận tại một cuộc họp báo ở Bangkok vào ngày 2/2.

Các bác sĩ cho biết họ đã điều trị thành công cho một phụ nữ Trung Quốc 71 tuổi (đi từ Vũ Hán đến Thái Lan) bị nhiễm Covid-19 mới bằng một loại thuốc kháng virus dùng để trị cúm và HIV. Kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus đã chuyển sang âm tính sau 48 giờ sử dụng thuốc. Sau khi được điều trị khoảng 12 tiếng, người phụ nữ đã có thể ngồi dậy.

Bác sĩ Krianbsak cho biết nhóm điều trị của ông sử dụng phương pháp này dựa trên kinh nghiệm của các bác sĩ Trung Quốc trong quá trình điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 bằng thuốc điều trị HIV.

Các bác sĩ cũng cho biết những bệnh nhân khác hiện tại cũng sẽ được điều trị bằng phối hợp thuốc, vì sự kết hợp này đã được chứng minh là có hiệu quả đối với những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng. 

Hiện tại, Bộ Y tế Thái Lan đang chờ kết quả nghiên cứu để chứng minh kết quả.

19h ngày 1/2

Trung Quốc phát hiện virus corona mới trong phân người bệnh

Vào tối ngày 1/2, Bệnh viện Nhân dân Thứ ba Thâm Quyến tiết lộ rằng nghiên cứu của bệnh viện đã phát hiện ra rằng acid nucleic trong virus 2019-nCoV (virus corona mới) có trong phân của một số bệnh nhân mắc viêm phổi do Covid-19 gây ra.

Bệnh viện Nhân dân Thứ ba Thâm Quyến phát hiện có virus corona mới trong bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi do virus 2019-nCoV gây ra.

Phóng viên Health News đã phỏng vấn Wu Zunyou, chuyên gia dịch tễ học, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc.

Wu Zunyou nói rằng Covid-19 mới chỉ được phát hiện trong phân của bệnh nhân, nhưng việc liệu điều đó có nghĩa là Covid-19 có thể lây truyền qua đường phân - miệng hay không thì cần phải có thêm những xác nhận khoa học. 

Wu Zunyou giải thích cơ sở để đưa ra phán đoán này là do bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 mới là một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp nên Covid-19 mới chủ yếu lây truyền thông qua giọt bắn, dịch tiết khi tiếp xúc với người bệnh. Ngoài ra, hơn 90% trường hợp mắc bệnh bên ngoài tỉnh Hồ Bắc đều bị lây truyền qua các giọt bắn, dịch tiết. 

Mặc dù việc Covid-19 mới có lây truyền qua đường phân - miệng chưa được xác định chính xác nhưng một khi điều này được xác nhận thì vấn đề vệ sinh nhà vệ sinh sẽ trở nên rất quan trọng đối với việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là ở các vùng nông thôn hay nơi có môi trường vệ sinh kém.

12h ngày 1/2

Pháp nuôi cấy thành công chủng Covid-19 mới

Ngày 1/2 (theo giờ Việt Nam). Viện Pasteur Paris - Pháp thông báo đã tìm cách phân lập và nuôi cấy thành công các chủng virus nCoV. Thành quả này được coi là "một bước tiến lớn" trong việc nghiên cứu vaccine và lập phác đồ điều trị virus nCoV - đang là nỗi ám ảnh dịch bệnh cho toàn thế giới.

Các nhà khoa học Pháp đã sử dụng các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp đầu tiên nhiễm virus nCoV ở Pháp, được xác nhận ngày 24/1. Đây là một loại virus rất khó phân lập. Trước đó, Trung Quốc và Australia cũng đã thành công trong việc nuôi cấy này. Theo Viện Pasteur, toàn bộ các nghiên cứu sẽ được thực hiện sau khi vượt qua giai đoạn này.

15h ngày 31/1

Nga công bố bộ 3 loại thuốc chống virus corona Vũ Hán

Theo Reuter đưa tin, các cơ quan y tế Nga đã xác định được bộ ba loại thuốc hiện có để chống lại 2019-nCoV ở người lớn.

Họ tin rằng có thể dùng ribavirin, lopinavir / ritonavir và interferon beta-1b để chống lại virus 2019-nCoV. Những loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị viêm gan C, HIV và bệnh đa xơ cứng tương tự. Một trong những loại thuốc được khuyên dùng là ribavirin đã được sử dụng trong điều trị dịch SARS năm 2003 ở Trung Quốc.

Bộ cũng hướng dẫn rằng để ngăn ngừa và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, thuốc nên được sử dụng trong vòng hai ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Khuyến nghị cũng bao gồm các quy tắc vệ sinh và khử trùng, chẳng hạn như rửa tay và đeo khẩu trang bảo vệ. Các hướng dẫn này được đưa ra cho các bác sĩ tại các bệnh viện trong cả nước.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 15

Bộ Y tế Nga hướng dẫn dùng ribavirin, lopinavir / ritonavir và interferon beta-1b để điều trị bệnh do virus corona gây ra. Ảnh: Reuters.

12h ngày 30/1

Virus corona mới có thể lây từ người sang người trong 15 phút

Cơ quan y tế bang New South Wales, Australia cho hay việc truyền virus corona chủng mới giữa người với người có thể chỉ mất 15 phút. Mọi người có nguy cơ nhiễm virus nếu họ dành 1/4 giờ tiếp xúc gần gũi (chẳng hạn như trò chuyện trực tiếp), hoặc 2 giờ sinh hoạt trong cùng một không gian nhỏ với người bị nhiễm bệnh. Hiện đã xuất hiện người thứ 9 được chẩn đoán mắc loại virus này tại Úc.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 16

Virus corona mới có thể lây lan từ người sang người chỉ sau 15 phút tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh. 

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng đã xác nhận rằng bệnh nhân có thể truyền nhiễm ngay cả trước khi phát triển các triệu chứng. Điều này có nghĩa là hàng ngàn người có khả năng đã bị phơi nhiễm với Covid-19  ở Úc bởi 9 bệnh nhân đã mắc bệnh nhưng đã có một thời gian di chuyển tự do rất lâu trước khi được phát hiện.

Mặc dù Covid-19 không lây lan dễ dàng như bệnh sởi, nhưng nó lại có nhiều phương pháp truyền nhiễm khác nhau. Thậm chí, Covid-19 có thể lây nhiễm từ người qua người thông qua chạm vào các bề mặt đã bị ô nhiễm do dính hơi hắt xì hoặc ho của người bệnh. 

Các chuyên gia tới thời điểm này tin rằng Covid-19 chủng mới có thể lây lan khi người mang mầm bệnh tiết ra dịch khi ho hoặc hắt hơi và dịch này bắn ra xa khoảng 1 mét.

7h ngày 30/1

Nghiên cứu mới từ Trung Quốc: Nam giới có thể dễ bị nhiễm virus corona mới hơn phụ nữ

Nghiên cứu được công bố trên The Lancet ngày 30/1 do một nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Jinyintan của Vũ Hán, nơi đã xử lý một số bệnh nhân coronavirus, cùng với các nhà nghiên cứu từ Đại học Jiao Tong Thượng Hải và Bệnh viện Ruijin ở Thượng Hải thực hiện. 

Các chuyên gia đã nghiên cứu trên 99 bệnh nhân gồm 67 nam và 32 nữ nhập viện ở Vũ Hán từ ngày 1/1 đến 20/1. Họ nhận thấy số lượng nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới trong 99 trường hợp nhiễm 2019-nCoV này. Trước đây, dịch bệnh Mers-CoV và Sars-CoV (cũng do virus corona) cũng có tỷ lệ nam giới mắc nhiều hơn nữ giới. 

Lý do khiến phụ nữ ít bị nhiễm virus hơn nam giới có thể do sự bảo vệ của nhiễm sắc thể X và hormone giới tính, có vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch và thích nghi.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện có một nửa số bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới cũng mắc các bệnh mãn tính khác như bệnh tim hoặc tiểu đường. Phát hiện này phù hợp với các quan sát trước đây rằng những người đàn ông có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn dễ bị nhiễm virut hơn. 

Ngày 28/1

Vắc-xin dạng xịt mũi ở Hồng Kông sẽ được thử nghiệm

Theo một số báo cáo của truyền thông Hồng Kông vào ngày 28/1, giáo sư Yuan Guoyong, giáo sư về Bệnh truyền nhiễm, Khoa Vi trùng học, Đại học Hồng Kông, Trung Quốc cho biết Khoa Vi trùng học của Đại học Hồng Kông đã phát triển một loại vắc xin ngừa Covid-19 mới. Loại vắc xin cho bệnh viêm phổi Vũ Hán được sản xuất dựa trên một loại vắc xin cúm dạng xịt mũi. 

Giáo sư Yuan Guoyong cho biết loại vắc xin được tách ra từ virus trong ca nhiễm Covid-19 Vũ Hán đầu tiên tại Hong Kong. Các chuyên gia tại Đại học Hong Kong đã sửa đổi loại vắc xin cúm này với một phần kháng nguyên bề mặt của Covid-19.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 17

Giáo sư Yuan Guoyong cho biết phải mất ít nhất 1 năm để thử nghiệm vắc xin trên người trước khi đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, loại vắc-xin dạng xịt này vẫn cần phải được thử nghiệm trên động vật trước tiên. "Chúng tôi đã sản xuất được vắc xin nhưng sẽ cần thêm nhiều thời gian để thử nghiệm loại vắc xin này trên động vật", giáo sư Yuan Guoyong cho biết.

Cụ thể, vắc xin sẽ được tiêm vào động vật thí nghiệm để xem những loài này này có tạo ra phản ứng miễn dịch hay không. Động vật đã được tiêm phòng vắc xin sau đó sẽ được cho tiếp xúc với virus để thử nghiệm hiệu quả. Mặc dù chưa đưa ra khung thời gian cụ thể, chuyên gia này khẳng định sẽ mất vài tháng để thử nghiệm vắc xin trên động vật và ít nhất 1 năm để thử nghiệm lâm sàng trên người trước khi có thể đưa vào sử dụng.

19h ngày 27/1

Lô thuốc phát hiện virus corona đầu tiên được gửi tới Vũ Hán

Tối 27/1, Tân Hoa Xã đưa tin các nhà nghiên cứu đã đóng gói thuốc thử phát hiện 2019-nCoV tại một công ty ở Vũ Thanh Thiên Tân, Trung Quốc. Đây là lô thuốc phát hiện 2019-nCoV đầu tiên, dù mới là thuốc thử nghiệm.

Lô thuốc này được gửi tới Vũ Hán miễn phí và có thể sử dụng cho 10.000 người. Hiện, thành phần của thuốc, cơ chế hoạt động vẫn chưa được tiết lộ.

cap nhat covid-19: phat hien moi khi xet nghiem phoi cua benh nhan tu vong vi covid-19 - 18

Lô thuốc được đóng gói tại Thiên Tân đủ cung cấp miễn phí cho 10.000 người. Ảnh: Xinhua.

18h ngày 26/1

Nhóm nghiên cứu ở Thượng Hải đã phát triển thuốc xịt ngăn ngừa virus corona

Vào ngày 26/1, tin tốt lành đến từ Viện Nghiên cứu Khoa học của Trung tâm Y tế lâm sàng công cộng Thượng Hải trực thuộc Đại học Fudan. Nhóm nghiên cứu khoa học do Xu Jianqing, giám đốc viện nghiên cứu đứng đầu đã làm việc không mệt mỏi suốt 6 năm để phát triển một loại thuốc để điều trị các bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp. Hiện thuốc đã được chứng minh hiệu quả trên động vật, đạt tiêu chí sử dụng lâm sàng.

Loại thuốc xịt ngừa virus corona mới được sử dụng cho các nhân viên y tế. 

Loại thuốc này được dùng ở dạng xịt nên có thể xịt thẳng qua cổ họng. Nó được chứng minh có thể ức chế virus RNA và Covid-19 mới, là một trong những virus RNA, rất nhạy cảm với thuốc xịt. Theo nghiên cứu có liên quan, thuốc xịt này có thể ức chế sự nhân lên của Covid-19, ức chế viêm và thúc đẩy sửa chữa niêm mạc đường hô hấp.

Tuy nhiên, loại thuốc xịt này hiện chỉ được sử dụng khẩn cấp cho các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế lâm sàng công cộng Thượng Hải. Do thuốc vẫn cần có thêm nghiên cứu lâm sàng và  vẫn chưa được phê duyệt lưu hành và sản xuất trên thị trường. Do đó, nó không được phép sử dụng hợp pháp trong việc điều trị cho bệnh nhân. 

12h ngày 26/1

3 bệnh viện ở Bắc Kinh sử dụng thuốc chống HIV điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona mới

Chính quyền Bắc Kinh đã công bố vào ngày 26/1 rằng một số bệnh viện của thành phố đang cho bệnh nhân bị nhiễm coronavirus sử dụng thuốc điều trị HIV để hỗ trợ ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh chết người.

Hai loại thuốc này là thuốc kháng retrovirus, ngăn chặn khả năng HIV liên kết với các tế bào khỏe mạnh và sinh sản, và thường được sử dụng kết hợp để điều trị bệnh.

Có ba bệnh viện Bắc Kinh được xác nhận là đã sử dụng liệu pháp này đó là Bệnh viện Ditan Bắc Kinh, Bệnh viện Youan Bắc Kinh và Trung tâm y tế số 5 của Bệnh viện đa khoa Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc.

Ngày 25/1

Thuốc điều trị corona đã có sẵn nhưng chưa được kiểm nghiệm hiệu quả

Ngày 25/1, ông Zhong Nanshan, người đứng đầu nhóm chuyên gia do chính quyền Bắc Kinh thành lập để cố gắng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, nói với tờ Daily Daily rằng các loại thuốc để điều trị coronavirus của Vũ Hán đã có sẵn và an toàn, nhưng hiệu quả của chúng sẽ cần phải được quan sát. 

Các nhà nghiên cứu cho biết loại thuốc này an toàn về mặt lâm sàng nhưng chưa đo được tính hiệu quả. Vì vậy, họ cần thời gian quan sát để đưa ra kết luận.

Ông Zhong là một trong những chuyên gia đầu ngành tại Trung Quốc. 17 năm trước, ông là thành viên quan trọng trong đội ứng phó dịch SARS bùng phát. Tuy nhiên, chuyên gia này không đưa ra mô tả chi tiết về loại thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Lời khuyên của các bác sĩ trong bối cảnh hiện tại là phát hiện bệnh sớm, cách ly để phòng ngừa.

“Nếu bệnh nhân được cách ly và điều trị kịp thời, số lượng người bị lây lan Covid-19 sẽ giảm đi nhiều”, ông Zhong nói.

TheoKhám phá

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ