Phát hiện mỏ dầu khí khổng lồ thuộc bể Sông Hồng

Trữ lượng dầu khí khổng lồ

Ông Phạm Tiến Viễn, nguyên Trưởng ban Tìm kiếm – Thăm dò Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN) cho biết, mỏ Kèn Bầu là mỏ dầu khí lớn mà Việt Nam vừa phát hiện.

Theo Hội Năng lượng Việt Nam, nhà điều hành Eni Vietnam B.V. đã tiến hành thử 2 khoảng vỉa. Họ đã thu thập khá nhiều tài liệu về mẫu chất lưu. Nó cho thấy tích tụ hydrocarbon đáng kể tại Kèn Bầu, ước tính từ 7 - 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf) tại chỗ và khoảng từ 400 - 500 triệu thùng condensate. Kết quả ước tính trữ lượng dầu khí này là phát hiện lịch sử của ngành dầu khí Việt Nam.

Mỏ Bầu Kèn thuộc Lô 114 nằm ở thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, cách đất liền thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km. Hợp đồng Dầu khí Lô 114 hiện do Eni Vietnam B.V. là người điều hành, nắm giữ 50% quyền lợi tham gia. ESSAR E&P Limited nắm giữ 50% quyền lợi tham gia và hiện đang trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò.

Tháng 5/2019, giếng khoan thăm dò cam kết 114-Ken Bau-1X đã được mở lỗ, đạt chiều sâu 3.603m và gặp tất cả các vỉa sản phẩm dự kiến với dấu hiệu dầu khí tốt trong khi khoan. Năm 2020, giếng thẩm lượng 114-Ken Bau-2X được khoan cách giếng đầu tiên 1X là 2 km. Giếng khoan được mở lỗ ngày 29/2, thi công trong vòng 150 ngày, đạt độ sâu 3.690m và gặp một số vỉa chứa có tổng chiều dày 110m tại nhiều khoảng trong cát kết tuổi Miocence. Nhà điều hành đã tiến hành thử 2 khoảng vỉa, thu thập khá nhiều tài liệu về mẫu chất lưu cho thấy tích tụ hydrocarbon đáng kể tại phát hiện Kèn Bầu.

Với kết quả này, các bên nhà thầu đang xây dựng kế hoạch thẩm lượng tổng thể phát hiện Kèn Bầu trong những năm tiếp theo. Khoan thăm dò các cấu tạo tương tự tại Lô Hợp đồng. Sau đó, nhà điều hành sẽ tiến hành lập báo cáo trữ lượng, báo cáo phát triển mỏ. Dự kiến, phát hiện Kèn Bầu có thể đưa vào phát triển khai thác từ năm 2028.

Phát hiện mỏ dầu khí khổng lồ thuộc bể Sông Hồng ảnh 1
Giếng KB-2X tại lô 114.

Cần đưa ngay vào tổng sơ đồ điện VIII

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, chuyên gia Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam cho hay, nếu đúng thì đây là tin rất vui cho thị trường năng lượng Việt Nam. Tổng sơ đồ điện VIII đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân hiện không có thông tin này. PVN cần đưa những kết quả này cùng với kế hoạch khai thác vào tổng sơ đồ điện VIII để có những điều chỉnh nhất định. Bởi tổng sơ đồ điện VIII có tầm nhìn đến năm 2045, nếu việc khai thác mỏ dầu khí Kèn Bầu được thực hiện thì quả thực là một thành tựu ngoài sức mong đợi của ngành năng lượng.

"Theo quy hoạch phát triển năng lượng, hiện xu hướng chung của thế giới là giảm dần điện than, tăng dần năng lượng tái tạo và khí. Hiện chúng ta phải nhập than và khí hóa lỏng từ nước ngoài về với số lượng rất lớn mỗi năm. Trong tổng sơ đồ điện VIII, còn có nội dung xem xét chủ trương đầu tư khai thác các mỏ khí của nước ngoài để đối phó với tình trạng thiếu điện. 

Nếu đúng trữ lượng của mỏ Kèn Bầu lớn đến như vậy thì chúng ta không còn phải lo lắng tính toán đến việc nhập khẩu than và khí hóa lỏng nữa. Với khoảng cách gần bờ như vậy thì chúng ta hoàn toàn có thể làm ống dẫn, đưa khí thẳng về các nhà máy phát điện. Đây sẽ là một giải pháp quá tốt để "giải thoát" cho điện than", TS Ngô Đức Lâm cho biết.

Dù phát điện từ khí là nguồn năng lượng không tái tạo, nhưng TS Ngô Đức Lâm cho biết đây là nguồn năng lượng bảo vệ môi trường và nếu có sẵn mỏ khí thì không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập. Phát điện từ khí giảm ô nhiễm một nửa so với điện than, giá thành lại rẻ hơn nhiều giá điện than do hiệu suất của nhà máy phát điện từ khí lớn hơn. Không phát thải bụi mịn và khí gây hiệu ứng nhà kính như nhiệt điện than.

TS Ngô Đức Lâm cho rằng cần sớm nghiên cứu kỹ lưỡng để có lộ trình khai thác an toàn, phù hợp. Điều đáng mừng là mỏ Kèn Bầu này rất gần đất liền nên khả năng khai thác, xây dựng đường ống dẫn vào đất liền không quá phức tạp.

Trước đó vào ngày 31/7, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vừa có buổi làm việc với ông Sam Chan, Chủ tịch Công ty Millennium Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Dầu khí Millennium), về việc đơn vị này xin đầu tư dự án điện khí hóa lỏng tại khu vực Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa. Theo đó, doanh nghiệp muốn đầu tư nhà máy điện có công suất 9.600MW và trung tâm LNG tại Nam Vân Phong với tổng vốn đầu tư 15 tỷ USD. 

Ngoài ra, tập đoàn cũng sẽ đầu tư hệ thống kho cảng cấp khí cho nhà máy điện và tổng đại lý phân phối LNG cho cả khu vực Đông Nam Á. Đại diện của Công ty Millennium bày tỏ mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm LNG quan trọng của Đông Nam Á. Địa điểm mà Công ty Millennium đề xuất là thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước hoặc ở phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa. Toàn bộ dự án có diện tích khoảng 600 ha.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...