Phát hiện loài ếch phát sáng đầu tiên trên thế giới

Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện một loài ếch ở Nam Mỹ tỏa ra màu xanh lục rực rỡ khi được chiếu các tia cực tím vào người.

Phát hiện loài ếch phát sáng đầu tiên trên thế giới

Đây là sinh vật lưỡng cư phát sáng tự nhiên được biết đến đầu tiên trên thế giới. Loài ếch này có tên gọi thông thường là “ếch cây polka-dot” (polka-dot là điệu nhảy polka), tên khoa học là Hypsiboas punctatus.

Theo mô tả từ các nhà nghiên cứu đăng trên tạp chí Báo cáo Học viện Khoa học Quốc gia hôm 13-3, loài ếch nhỏ bé và kiếm ăn về đêm này bình thường có màu lục nhạt điểm đốm đỏ. Nhưng chúng có thể chuyển thành màu neon nổi bật khi được chiếu các tia cực tím.

Phat hien loai ech phat sang dau tien tren the gioi - Anh 1

Ếch cây polka-dot cư trú ở rừng Amazon thuộc Ecuador, Peru, Bolivia và Brazil, lưu vực Orinoco, Chaco của Paraguay và Argentina. Nó cũng có thể tìm thấy ở Colombia và Venezuela. Ảnh: Huffington Post

Ông Norberto Peporine Lopes, đồng tác giả nghiên cứu, một nhà hóa học của Trường ĐH São Paulo (Brazil), chia sẻ trong email với báo Huffington Post tuần này: “Đây là một phát hiện đáng ngạc nhiên. Khi chúng tôi chiếu ánh sáng cực tím hoặc đen lên loài ếch này, toàn bộ cơ thể nó phát ra ánh sáng màu xanh lục”.

Hiện tượng phát quang sinh học thường xuất hiện ở những sinh vật biển - như san hô, một số loài cá, rủa biển, tôm hay cá mập - nhưng với các loài sinh vật trên cạn lại là bất thường.

Quay về những hiểu biết trước đây, chỉ có loài vẹt, một số loài bướm, động vật chân đốt (bao gồm nhện và bò cạp) mới phát sáng. Khả năng phát sáng của sinh vật có thể do các phản ứng hóa học trong cơ thể hoặc da/lông/cơ quan của sinh vật hấp thụ ánh sáng bước sóng ngắn và phản chiếu nó thành ánh sáng có bước sóng dài hơn.

Phat hien loai ech phat sang dau tien tren the gioi - Anh 2

Trạng thái bình thường và trạng thái huỳnh quang của loài ếch mới. Ảnh: Julían Faivovich

Trong trường hợp loài ếch trên, nguyên nhân nó phát sáng có thể là do bộ ba phân tử - hyloin-L1, hyloin-L2 and hyloin-G1 – nằm trong mô bạch huyết, da và chất tiết ra từ các tuyến. Bộ 3 phân tử này phát ra một lượng sáng đáng kể, tương đương khoảng 18% ánh sáng đêm trăng tròn.

Theo ông Lopes, cơ chế phát sáng này không giống các phân tử phát sáng ở động vật được biết đến trước đó.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết được loài ếch cây polka-dot phát sáng để làm gì nhưng một trong các khả năng là để liên lạc, đặc biệt là mời gọi bạn tình.

Ông Lopes nói bước tiếp theo là nghiên cứu xem loài ếch này có nhìn thấy ánh sáng của chính mình hay không và liệu còn những sinh vật lưỡng cư nào có khả năng phát sáng tương tự.

Theo NLĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ