Khi tìm thấy ngôi mộ ẩn mình dưới lòng “Atlantis”, các nhà khảo cổ đã đặt cho chủ nhân nơi này cái tên Natasha vô cùng tương xứng với phục sức hoa lệ của dân tộc Hung Nô mà cô sở hữu.
Mùa hè đến, khi băng tan, đội nghiên cứu đã tìm được hầm mộ dưới một hồ chứa nhân tạo rộng lớn ở Siberia. Chiếc “smartphone” thời thượng này thực chất là một tấm bảng vuông vắn được làm từ một loại than non hiếm có và đính đá bán quý lấp lánh như ngọc lam (turquoise), carnelian và xà cừ.
Tiến sĩ Pavel Leus, thành viên đội khảo cổ, cho biết: “Nghi lễ hạ táng Natasha cùng với chiếc "iPhone" thời Hung Nô này chính là bí ẩn thú vị nhất trong lăng mộ”.
Các nhà khoa học phát hiện điều kỳ thú này tại khu đô thị Ala-Tey ở Sayan Sea, một hồ chứa khổng lồ ở thượng nguồn đập Sayano-Shushenskaya, đồng thời là nhà máy điện lớn nhất nước Nga, tọa lạc tại Cộng hòa Tuva.
Đây là một trong những điểm nghỉ dưỡng ưa thích của Tổng thống Vladimir Putin. Thực tế, thứ mà ta ví von là “điện thoại” rất có thể là trang sức đeo trên thắt lưng của phụ nữ thời đó.
“Chính chiếc thắt lưng có đính đồng tiền ngũ thù thời nhà Hán đã giúp chúng tôi xác định niên đại của chủ nhân lăng mộ này”, nhóm nghiên cứu nói.
Kích thước của nó tương đương dòng iPhone 7 của nhà Apple - 3,5 inch. “Kho báu” khảo cổ này chỉ xuất hiện vào mùa hè, khi nguồn nước trở nên khan hiếm và băng giá không còn phủ kín mặt hồ.
Đôi khi các hầm mộ bị ẩn sâu tận 17 m dưới mặt nước. Hiện tại, các nhà khảo cổ đã xác định được niên đại của các ngôi mộ là từ thời đại đồ đồng cho đến thời Thành Cát Tư Hãn.
Trước đó, hai cỗ xác ướp nữ giới với trang phục đặc sắc đã được tìm thấy tại đây cùng các công cụ lao động của họ. Trong số hai người, có một cô gái được mệnh danh “người đẹp ngủ trong rừng” vì khoác lên người bộ áo lụa tha thướt.
Ban đầu, người ta đoán rằng cô là một nữ tu sĩ, song các bằng chứng mới khai quật gần đây cho thấy rất có thể cô là một người thợ gia công đồ da. Người còn lại là một thợ dệt vải - cô được chôn cất cùng khung gỗ và túi thêu thùa.
Hồ chứa nước có thể bao bọc cả khu vực với diện tích gần 622 km², song mỗi khi hè đến, mực nước ở đây thường giảm xuống hơn 18 m, lộ ra cả một vùng khô cằn.
Quần thể gồm 110 ngôi mộ đã được phát hiện tại Ala-Tey. “Nơi này là một địa điểm có giá trị khảo cố”, Tiến sĩ Marina Kilunovskaya từ Viện Văn hóa Lịch sử Vật chất St Petersburg phát biểu: “Chúng tôi thật may mắn vì đã kịp phát hiện ra hầm mộ của những người du mục Hun giàu có vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị nhóm trộm mộ nào lật tung lên”.
Ngoài ra, có một khu vực khác cũng được xưng là “Atlantis” - Terezin - sở hữu 32 ngôi mộ và nằm gần bờ hơn. Các nhà khoa học đang gấp rút chạy đua với thời gian để cứu lấy các di vật quý hiếm khỏi sự tàn phá của dòng nước.