Phát biểu truyền cảm hứng của Hiệu trưởng trường sư phạm

GD&TĐ - Nhắn nhủ các tân sinh viên “đừng buông rèm trong gác nhỏ”, “gõ bàn phím buông vài câu chia sẻ” mà hãy hành động; hãy học để làm chủ và giáo dục cho thế hệ tương lai làm chủ để xây dựng một quốc gia độc lập, tự cường… đó là một trong số những chia sẻ truyền cảm hứng của GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – với gần 1.900 tân sinh viên trong ngày khai giảng năm học mới.

GS.TS Nguyễn Văn Minh phát biểu trong lễ khai giảng năm học mới
GS.TS Nguyễn Văn Minh phát biểu trong lễ khai giảng năm học mới

Hãy đi tìm lời đáp, đừng ngồi hỏi tại sao

Tuần trước, chúng ta đã chứng kiến những thông tin, hình ảnh ngày khai trường của những trẻ ở thị thành và những trẻ nơi rẻo cao, về đồng nghiệp của chúng ta đang lội rừng, lội suối, dầm mình trong mưa gió dọn bùn đất có chỗ cho ngày khai trường.

Đưa câu chuyện này, GS Nguyễn Văn Minh chia sẻ với các sinh viên: Đã đến lúc không thể ngồi gõ bàn phím để buông ra vài câu chia sẻ, cảm thông, tại sao không làm một việc gì đó tử tế hơn, dù nhỏ nhoi để góp phần giảm bớt những nỗi nhọc nhằn của họ? Hãy đi tìm lời đáp cho câu hỏi nghèo khó vì đâu và hãy đi tìm cách để làm cho đất nước này giàu có.

Đừng ngồi hỏi vì sao, mà hãy đi tìm lời đáp cho những gì còn đau lòng đang diễn ra ngoài cuộc sống. Công lý và sự trong sáng trong tinh thần phải được khơi thông, thông qua giáo dục tiến bộ.

Đừng buông rèm trong gác nhỏ, hãy dành thời gian bước đi, đi xa hơn để hiểu hơn những gì đang có, để thấy rằng ý nghĩa của cuộc đời không chỉ sống cho riêng ta.

Chúng ta sẻ chia với những đồng nghiệp của chúng ta đang gồng mình trong mưa lũ vì những thế hệ tương lai, vì họ vẫn vững chãi niềm tin. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm tạo dựng và đảm bảo niềm tin cao đẹp đó…

“Chúng ta có trách nhiệm lan tỏa tri thức là vốn quý của đời người, biến tri thức thành sản phẩm hữu hình để phụng sự xã hội và phát triển đất nước là hành động cao cả. Vì vậy, coi trọng giáo dục và làm tốt công việc giáo dục chính là tạo đà cho phát triển. Làm sao để người lớn bàn nhiều về tủ sách thay vì bàn về tủ rượu; làm sao để con trẻ luôn thích tìm tòi, khám phá hơn là chỉ thích tìm kiếm miếng ngon” - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nói.

Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nhận bó hoa tươi thắm từ sinh viên trong lễ khai giảng năm học mới
Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nhận bó hoa tươi thắm từ sinh viên trong lễ khai giảng năm học mới 

Xã hội hiện đại không cần người nói giỏi mà chẳng biết làm gì

Đặt vấn đề về thời đại công nghệ số đang ngự trị toàn cầu, len lỏi vào từng hoạt động của mỗi con người, thậm chí chi phối cả về cách nghĩ của từng người, đâu đó chế ngự cả cảm xúc, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng: Chúng ta sẽ là chủ nhân hay là người thất nghiệp, người bị người khác lập trình, đây là câu hỏi thời đại đặt ra cho thế hệ hôm nay.

Hiện nay, người ta đang chỉ tập trung vào những mặt tích cực của công nghệ số và sức mạnh của nó, mà chưa chú trọng một cách đúng mức về sự tác động của nó đối với xã hội và văn hóa. Liệu chăng những câu nói cụt ngủn, những câu vô chủ có chiếm lĩnh giao tiếp hằng ngày giữa người và người hay không, liệu chăng nó có làm xơ cứng quan hệ xã hội hay không. Chúng ta cần có lời đáp và bổn phận của chúng ta là làm cho nhiều người biết sử dụng công nghệ số để làm cho xã hội tốt hơn, người và người yêu quý nhau hơn, chứ không phải lệ thuộc vào nó.

Các em học để làm chủ và giáo dục cho thế hệ tương lai làm chủ, để xây dựng một quốc gia độc lập, tự cường trong bang giao hòa bình vì một thế giới tốt đẹp. Những lo lắng nói trên sẽ trở thành không quan ngại nếu có một nền giáo dục tốt, một nền giáo dục khai mở, tiến bộ, giàu nhân văn và mang đậm văn hóa dân tộc; đồng hành với nó là những thầy cô thức thời và trách nhiệm.

Tiết mục văn nghệ trong lễ khai giảng của sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội
Tiết mục văn nghệ trong lễ khai giảng của sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 

Từ nhận thức đến hành động có khoảng cách, cách rút ngắn tối ưu chỉ dành cho những người thông minh, bản lĩnh và chân chính, và thầy mong các em là những người như thế.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Văn Minh, chỉ một mình không đủ sức kham để thay đổi cả một tiến trình mà cần sự đồng hành của nhiều người, và điều đó chỉ thực hiện được thông qua con đường giáo dục.

Muốn làm được việc đó bản thân mỗi sinh viên cần có nền tảng tri thức, có phương pháp làm việc khoa học, có cách thức khơi dậy những giá trị, những khát vọng cho người khác để họ sáng tạo trong tương lai, và vì vậy, khi còn là sinh viên cần chăm chỉ học tập, nghiên cứu, tu dưỡng, tìm hiểu thực tiễn và tham gia các hoạt động khác, dám phiêu lưu, biết dành thời gian cho bổn phận và cho tình yêu thương để mai ngày không tiếc nuối.

“Xã hội hiện đại cần những người nói được thì làm được, chứ không phải chỉ nói giỏi mà chẳng biết làm gì” – GS Nguyễn Văn Minh nhắn nhủ.

Trong thời đại ngày nay, thiếu đi học vấn, thiếu đi tri thức và thiếu đi khả năng làm việc sáng tạo thì khó có thể vươn lên. Giáo dục là cách thức duy nhất để đem lại bình đẳng cho mọi người, để họ được thụ hưởng những tiến bộ xã hội và có khả năng đóng góp phát triển đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.