Vụ cháy rừng tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Nghi phạm “lai rai cả ngày”

GD&TĐ - Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy rừng kinh hoàng tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mấy ngày qua là do một người dân đốt rác. Nghi phạm sau đó bị Cơ quan Công an huyện Nghi Xuân khởi tố về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy”.

Lực lượng công an kiểm tra tại nhà ông Thành
Lực lượng công an kiểm tra tại nhà ông Thành

Khởi tố, bắt tạm giam

Trưa ngày 28/6, ngay sau khi phát hiện vụ cháy rừng thông tại khu vực núi Hồng Lĩnh (thuộc thị trấn Xuân An), Công an huyện Nghi Xuân đã vào cuộc điều tra, phát hiện nghi phạm gây ra vụ cháy rừng là một người dân sống cạnh đó.

Ngày 1/7, Công an huyện Nghi Xuân ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam ông Phan Đình Thành (SN 1973), trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng về tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy”.

Theo tài liệu điều tra, sáng 28/6, ông Thành đi mua đồ ăn sáng và mua một chiếc bật lửa gas để hút thuốc. Trưa cùng ngày, ông Thành ra cuối khu vườn của gia đình, gom rác trong vườn lại rồi dùng bật lửa để đốt rác.

Do trời nóng, gió Tây Nam thổi mạnh nên lửa đã cháy lan ra khắp vườn. Ông Thành đã dùng xô múc nước để dập lửa nhưng không dập được nên gọi người đến giúp. Tuy nhiên, lúc này lửa đã cháy mạnh và lan từ vườn nhà ông Thành sang khu vực rừng thông phía sau nhà.

Đám cháy lan nhanh từ khu rừng phòng hộ xã Xuân Hồng sang rừng phòng hộ thuộc thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân), gây ra vụ cháy lớn trên núi Hồng Lĩnh. Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, tỉnh Hà Tĩnh đã phải huy động hơn 1.000 người tham gia dập lửa. Nhưng phải đến trưa 1/7, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.

Ông Thành dựng lại hiện trường
  • Ông Thành dựng lại hiện trường

Uống rượu cả ngày

Theo ông Nguyễn Phi Phượng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, ông Phan Đình Thành trước khi vi phạm pháp luật sống bằng nghề làm nông, có vợ và 4 người con... Hai người con đầu đang lao động tại Thái Lan, hai người còn lại đang học tại quê nhà.

“Anh Thành là nông dân hiền lành, chất phác. Chỉ có cái tật là ham rượu chè, uống rượu lai rai cả ngày. Uống vào nói lất ngất, hành vi không kiểm soát, thậm chí đi đám cưới uống say nằm ngay trên bàn”, ông Phượng cho biết.

Chiều 2/7, Thượng tá Nguyễn Quang Thành, Trưởng Công an huyện Nghi Xuân cho biết, trong quá trình điều tra, “ông Thành khai nhận là do đốt rác trong vườn rồi đám lửa lan rộng ra, chứ bản thân không cố tình. Tuy nhiên, khi điều tra viên về cơ sở thu thập thông tin, nhiều chứng cứ cho rằng thời điểm đốt rác trong vườn đối tượng đã có uống vài chén rượu”, Thượng tá Thành cho biết.

Thượng tá Nguyễn Quang Thành cũng cho biết thêm, “vào năm 2005, đối tượng Phan Đình Thành từng nhận quyết định đi cơ sở giáo dục về hành vi đánh người, bị cải tạo 24 tháng. Đối tượng cũng từng dùng dao đâm vào tay khiến một công an viên tại xã Xuân Hồng bị thương tích”.

“Khi đốt rác trong vườn để xảy ra đám cháy, lan lên khu vực rừng thông, vợ con hô hào hàng xóm đến dập lửa nhưng ông Thành vẫn ngồi yên. Khi mọi người gọi ông Thành lên chữa cháy thì ông bảo: Kệ nó, cháy cho cháy. Tôi mệt rồi!”, một người dân sống gần đó cho hay.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, nếu gây hậu quả dưới 100 triệu đồng sẽ bị xử phạt hành chính, 100 triệu đồng trở lên và gây chết người thì sẽ xử lý hình sự.

“Việc nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống cháy rừng là vô cùng quan trọng. Ý thức người dân càng tốt thì nguy cơ cháy rừng xảy ra càng ở mức thấp nhất. Đặc biệt, khi khu vực rừng của địa phương có nguy cơ xảy ra cháy thì không cần đợi các lực lượng chức năng mà người dân cần tổ chức khoanh vùng và tiến hành xây dựng các đường băng cản lửa. Như vậy, khi cháy rừng xảy ra thì sẽ giảm thiểu thấp nhất thiệt hại và các lực lượng tham gia chữa cháy cũng dễ dàng hơn trong việc diệt giặc hỏa”, Thượng tá Thành đề nghị.

Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, nhất là những khu vực có nguy cơ cháy cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng chức năng và người dân tham gia khống chế, dập tắt trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra cháy lớn. Tỉnh thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” hiệu quả; tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí và các điều kiện khác để luôn sẵn sàng dập tắt cháy rừng kịp thời khi mới phát hiện điểm cháy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ