Vĩnh Phúc: Dự án TMS Đầm Cói huy động vốn bằng bản đồ “giả”

GD&TĐ - Khi Dự án khu đô thị mới TMS Đầm Cói còn đang “trứng nước” thì nhiều công ty, sàn giao dịch bất động sản đã giới thiệu, môi giới đặt chỗ các ô đất trong dự án. Một số công ty đã dùng bản đồ phân lô giai đoạn 1 của dự án sai với bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất và chi tiết chia lô đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt để mời đặt chỗ.

Vĩnh Phúc:  Dự án TMS Đầm Cói huy động vốn bằng bản đồ “giả”

Thật, giả lẫn lộn

Từ đầu tháng 7/2020, Dự án khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói được quảng cáo rầm rộ trên nhiều trang website và mạng xã hội. Không chỉ vậy, nhiều hoạt động giới thiệu về dự án, môi giới bất động sản còn diễn ra với tần suất dày đặc trên nhiều tuyến đường và tại một số khách sạn có tiếng ở Vĩnh Phúc.

Thông tin quảng cáo đến người có nhu cầu mua bất động sản thì tên dự án này là TMS Homes Wonder World có vị trí tại phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Quy mô dự án là 154,5 ha, đầu tư xây dựng khoảng 4157 căn hộ, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 17.000 người. Dự án được nhân viên môi giới rằng có nhiều tiện ích về giao thông, khu đô thị như bến du thuyền, bãi biển nhân tạo có sóng, khách sạn 6 sao đầu tiên ở Vĩnh Phúc...

Tuy nhiên, cái tên nghe rất “Tây” của dự án này thực chất là Dự án khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói do Công ty Cổ phần TMS Bất động sản (Công ty CP Tập đoàn TMS Bất động sản) làm chủ đầu tư. Dự án đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010. 

Theo người dân địa phương, dự án được quy hoạch bao trọn khu đầm có tên là Đầm Cói thuộc phường Hội Hợp. Thông tin pháp lý của dự án là khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói đã được nêu rõ trong nhiều văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các ngành chức năng liên quan.

Cụ thể, dự án TMS Land Đầm Cói được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 974/QĐ-UBND ngày 16/4/2010. Đến ngày 12/7/2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ban hành Quyết định số 1899/QĐ-UBND về việc phê duyệt QHCT xây dựng Khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói tại phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên và xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc - tỉ lệ 1/500. 

Trong 9 năm (từ 2010 đến đầu năm 2019) khi đã được duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, dự án dường như bất động. Không có bất cứ hoạt động nào liên quan đến việc san lấp mặt bằng hay các hoạt động xây dựng trên đất dự án này. Nhiều thời điểm, giới bất động sản còn phao tin dự án đã “đắp chiếu” và UBND tỉnh sẽ thu hồi chủ trương đầu tư của dự án này.

Tuy nhiên, dự án bất ngờ “sống lại” sau khi được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1739/QĐ-UBND ngày 17/7/2019. Chủ đầu tư vẫn là Công ty Cổ phần TMS Bất động sản, có địa chỉ tại tầng 3, tòa nhà Vimeco, lô E9, đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Đến ngày 23/6, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 1476/QĐ-UBND về việc giao đất (đợt 1 - giai đoạn 1) cho Công ty Cổ phần TMS Bất động sản để thực hiện dự án: Khu đô thị mới Đầm Cói tại phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên.

Sau khi có Quyết định số 1476, ngày 25/6, Công ty Cổ Phần TMS Bất động sản được Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cấp Giấy phép xây dựng số 59/GPXD với các hạng mục được cấp phép xây dựng: San nền; đường giao thông; hệ thống cấp, thoát nước thải, nước mưa; hệ thống điện chiếu sáng và thông tin liên lạc.

Mặc dù dự án có quyết định giao đất (đợt 1- giai đoạn 1) và giấy phép xây dựng như trên nhưng thời điểm đó dự án chưa được giao đất trên thực địa. Tuy nhiên, hoạt động giới thiệu về dự án và huy động vốn vào dự án này đã diễn ra sôi động cùng vô số thông tin, hình ảnh quy hoạch khác nhau khiến người dân khó biết thật - giả.

Ồ ạt huy động vốn

Cũng trong tháng 7/2020, trên trục đường Lê Hồng Phong (TP Vĩnh Yên), đoạn chạy qua dự án luôn có nhiều nhân viên của các sàn giao dịch bất động sản túc trực để tư vấn, giới thiệu và mời gọi khách hàng đặt chỗ. TMS Đầm Cói có khoảng 8 sàn giao dịch bất động sản có nhân viên tư vấn và mời khách đặt chỗ như: Công ty CP Bất động sản Core realty, Công ty CP Phát triển VJ Homes... 

Từ đặt chỗ ở đây được hiểu là đặt tiền để giữ chỗ (ô đất) khách hàng muốn mua. Mỗi suất đặt chỗ, các sàn đưa ra mức giá tối thiểu là 50 triệu đồng. Các ô đất được đặt chỗ gồm: Đất nền có diện tích từ 60 đến 70 m2 trở lên, Shophouse có diện tích từ 90 m2 trở lên. Các lô đất nền trên có giá thấp nhất là trên 1 tỷ đồng, Shophouse có giá trên 5 tỷ đồng đã bao gồm giá tiền xây dựng của chủ đầu tư.

Không chỉ giới thiệu tại chỗ, các nhân viên của các sàn, công ty bất động sản còn gọi điện, nhắn tin mời khách hàng tham gia buổi giới thiệu dự án và đặt chỗ được tổ chức công khai tại một số khách sạn lớn ở Vĩnh Phúc.

Mỗi buổi giới thiệu đều có đông người tham dự và nhiều hợp đồng đặt chỗ đã được ký kết.

Sau khi nhận tiền đặt chỗ, các sàn, công ty bất động sản này sẽ dẫn khách hàng đi ký hợp đồng với một đơn vị được giới thiệu là công ty con của TMS.

Hợp đồng khách hàng ký với “công ty con” này không phải là hợp đồng mua - bán, góp vốn, hợp tác đầu tư, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay hợp đồng góp vốn... quy định trong Luật Nhà ở hiện hành mà biến tướng thành “Hợp đồng vay vốn”. Điều đáng nói, trong hợp đồng vay vốn này không hề có thông tin nào liên quan đến việc mua - bán, chuyển nhượng hay được quyền ưu tiên mua ô đất như nhân viên tư vấn bất động sản đã giới thiệu trước đó.

Trước thông tin về việc huy động vốn của các sàn, công ty bất động sàn vào dự án TMS Đầm Cói, ngày 14/7, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 2512/SXD-QLNĐT&HT gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn TMS Bất động sản đề nghị báo cáo kết quả thực hiện Dự án khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói, thành phố Vĩnh Yên. 

Tại văn bản này, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc nêu rõ: “Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 19, Nghị định 99/2015/NĐ-CP hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở”.

Đồng thời, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc nhấn mạnh: “Hiện nay, chủ đầu tư Dự án khu đô thị mới TMS Land Đầm Cói là Công ty Cổ phần Tập đoàn TMS Bất động sản chưa đủ điều kiện để thực hiện việc huy động vốn dự án (chưa được phép ký kết các hợp đồng huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại) do chưa có văn bản thông báo đủ điều kiện huy động vốn của Sở Xây dựng”.

Văn bản của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc ngoài gửi cho chủ đầu tư thì còn gửi đến UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Công an tỉnh Vĩnh Phúc... Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, việc huy động vốn vào dự án TMS Đầm Cói vẫn tiếp tục diễn ra mới quy mô và mức độ ngày một lớn hơn vào những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2020. Nếu không kịp thời ngăn chặn, rất có thể người dân sẽ gặp rủi ro về kinh tế, pháp lý và để lại hệ lụy to lớn đối với xã hội.

Báo Giáo dục & Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về việc lừa dối khách hàng để nhận đặt chỗ, huy động vốn và những nghi vấn về “nhóm lợi ích” tiếp tay cho việc làm sai trái liên quan đến dự án này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ