Trường ĐH Duy Tân: Điểm trừ cho chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh

GD&TĐ - Công an đã xác minh làm rõ, việc gửi thư nặc danh hạ uy tín các trường ĐH trên địa bàn Đà Nẵng liên quan đến trường ĐH Duy Tân. Đây là chiêu cạnh tranh bẩn, nhiều sinh viên tương lai không chấp nhận môi trường giáo dục này.

Baner thông báo tuyển sinh của trường ĐH Duy Tân dán đè lên baner của các trường ĐH khác
Baner thông báo tuyển sinh của trường ĐH Duy Tân dán đè lên baner của các trường ĐH khác

"Nâng trường này, hạ trường khác"

Nội dung của các thư nặc danh này có tính chất “nâng trường này, hạ trường khác”, tự cho các trường “điểm cộng, điểm trừ” nhằm gây bất lợi cho một số trường trong công tác tuyển sinh. Theo thông tin của các lá thư này thì “điểm trừ” của trường ĐH Duy Tân cũng sẽ được hiểu như là điểm cộng: “học hơi căng, không lo là bị thi lại ngay, trường nhiều cơ sở (hầu hết ở trung tâm thành phố) nên di chuyển hơi nhiều”. Trong khi đó, điểm trừ của các trường ĐH khác, kể cả ĐH công lập đều là học phí cao, không đổi mới về hình thức giảng dạy, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành…

Nội dung thư nặc danh ít nhiều đã tác động, gây tâm lý hoang mang với nhiều phụ huynh và thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành để đăng ký xét tuyển vào ĐH. Trên các trang mạng xã hội, nhiều cán bộ, giảng viên đã phản đối, thể hiện sự không đồng tình với sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong môi trường giáo dục.

Một trong những thư nặc danh được cho là do ông Lê Văn Chung và CTV tuyển sinh thực hiện và gửi cho HS lớp 12.

 Một trong những thư nặc danh được cho là do ông Lê Văn Chung và CTV tuyển sinh thực hiện và gửi cho HS lớp 12. 

PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng trường Bách khoa, ĐH Đà Nẵng bày tỏ: “Cạnh tranh trong giáo dục không nên như trong thương mại. Trong khi đó, ngay trong quảng cáo thương mại cũng có quy định chỉ được nói tốt và phải nói đúng về sản phẩm của mình chứ không được nói xấu sản phẩm khác. Thậm chí, logo của sản phẩm khác cũng không được xuất hiện trong video quảng cáo”.

ĐH Đà Nẵng cũng như các trường ĐH Đông Á, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đã có văn bản gửi công an đề nghị xác minh sự việc. Ngay sau khi có thông báo kết quả từ cơ quan điều tra cùng với mức xử phạt hành chính đối với hai cá nhân.

Trao đổi với báo chí, TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết: “Kết luận của công an đã rất rõ ràng là chỉ liên quan đến hai cá nhân. Nhà trường sẽ làm đúng như kết luận của cơ quan công an, mức kỷ luật như thế nào thì phải có Hội đồng kỷ luật”.

Vấy bẩn môi trường giáo dục

Dư luận có quyền đặt nhiều câu hỏi xung quanh chiêu thức truyền thông của trường ĐH Duy Tân. Trong môi trường giáo dục để xảy ra những việc làm mang tính chiêu trò như vậy thì có xứng đáng với trách nhiệm đối với SV và xã hội hay không?

Lâu nay, lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân luôn đề cao khẩu hiệu xây dựng giáo dục nhân văn trong giáo dục đại học. Với “sự kiện” này, nhà trường sẽ giải thích thế nào với SV? Sẽ có những SV và cựu SV cảm thấy rất tổn thương với cách cạnh tranh “bẩn” trong tuyển sinh của trường.

Dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi, lãnh đạo trường ĐH Duy Tân biết “những bức thư bẩn” từ khi nào. Chẳng lẽ họ biết sau mọi trường ở Đà Nẵng?

Bà Hồ Thị Tâm (trú Hương Điền, Thừa Thiên – Huế), có con đang theo học năm thứ 2 trường ĐH Duy Tân bày tỏ quan điểm: “Việc tuyển sinh với những cách thức như thế nào là việc của nhà trường. Điều gia đình chúng tôi quan tâm là đội ngũ giảng viên quan hệ hợp tác đào tạo và cơ hội giao lưu với các trường quốc tế cũng như cơ hội việc làm sau này. Bên cạnh đó, môi trường giáo dục cũng là điều chúng tôi cân nhắc. 

Tôi nhận thấy SV Duy Tân thật sự năng động, sự điều tiết chương trình học phù hợp với yêu cầu của thời đại. Tôi rất lấy làm tiếc khi nghe những thông tin cạnh tranh không tốt về vấn đề tuyển sinh nhưng tôi nghĩ đó là vấn đề của nhà trường. Nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm xử lý điều đó chứ không phải là sinh viên. Tuy nhiên, ở môi trường giáo dục, sự trong sáng và minh bạch luôn cần được ưu tiên. Dù sao đi nữa, việc theo học ở một môi trường minh bạch vẫn đưa lại tâm lý an tâm và tự hào hơn khi lựa chọn. Tôi nghĩ, điều đó cũng ảnh hưởng phần nào đến việc chọn trường của SV”.

Em Minh Châu (trú TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) chuẩn bị làm hồ sơ nhập học vào trường ĐH Duy Tân cho biết: “Khi nhận được giấy báo trúng tuyển thì em mới biết đến những thông tin về việc có người của trường Duy Tân đi “nói xấu” các trường khác để lôi kéo HS đăng ký nhập học. Em không nhận được tài liệu này. Nguồn thông tin em tìm hiểu để chọn trường theo học là tham khảo từ các anh chị SV khóa trước. Nhưng thực sự là em thấy cũng hơi buồn khi nhà trường để xảy ra sự việc này vì ngành em theo học sắp tới lại là ngành truyền thông”.

Trong số các cơ sở giáo dục đại học ở Đà Nẵng, kể cả công lập và ngoài công lập, trường ĐH Duy Tân không phải là trường khan hiếm nguồn tuyển sinh. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã có một số chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế. Chính vì vậy, những ai quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đại học đều không khỏi băn khoăn trước những chiêu trò mà Duy Tân sử dụng để thu hút thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.