Hà Tĩnh: Tuyến đường gần 60 tỷ đồng chưa hết bảo hành đã nứt toác

GD&TĐ - Một tuyến đường được đầu tư gần 60 tỷ đồng do Công ty TNHH Vĩnh Phúc (Hà Tĩnh) thi công, mới đưa vào sử dụng không lâu nhưng đã có dấu hiệu kém chất lượng với nhiều vết nứt, gãy chằng chịt.

Đường đưa vào sử dụng chưa hết thời hạn bảo hành nhưng mặt đường đã bị nứt.
Đường đưa vào sử dụng chưa hết thời hạn bảo hành nhưng mặt đường đã bị nứt.

Thời gian gần đây, người dân huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) liên tục phản ánh về việc công trình đường giao thông liên thôn xã Hồng Lộc – Phù Lưu vừa mới hoàn thành, đưa vào sử dụng không lâu nhưng đã xuất hiện tình trạng nứt nẻ, hư hỏng nghiêm trọng khiến người dân lo ngại về chất lượng công trình.

Có mặt tại công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông liên thôn xã Hồng Lộc - Phù Lưu, bằng mắt thường chúng tôi dễ dàng quan sát thấy một số đoạn đường xuất hiện nhiều vết nứt lớn trên bề mặt.

Với nhiều vết nứt chằng chịt, kéo dài.
 Với nhiều vết nứt chằng chịt, kéo dài.

Đặc biệt, tại tuyến qua xã Thụ Lộc, dù mới hoàn thành đưa vào sử dụng không lâu nhưng mặt đường đã xuất hiện chằng chịt các vết rạn nứt khá lớn, kéo dài khiến bề mặt bị đứt gãy. Không những vậy vết nứt toác còn kéo dài cả bề ngang mặt đường, thể hiện rõ công trình kém chất lượng.

Theo quan sát nhiều vết nứt nẻ đã được đơn vị thi công khắc phục bằng cách cố tình cho trét một lớp xi măng nhằm “che mắt thiên hạ”, nhưng do các vết nứt quá lớn đã "xé toác" lớp xi măng. Không những thế, những vết nứt có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều nên việc khắc phục là điều rất khó.

Anh Nguyễn Văn Thắng (một người dân xã Hồng Lộc) cho biết, khi thấy UBND huyện Lộc Hà đầu tư xây dựng đường thì người dân rất mừng, con đường hoàn thành sẽ giúp người dân địa phương đi lại tốt hơn. Không ngờ đường mới làm xong thời gian chưa bao lâu đã nứt hỏng. Cần phải kiểm tra làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công.

Dù cố gắng gia cố nhưng khó khắc phục được.
 Dù cố gắng gia cố nhưng khó khắc phục được.

“Vài lần có thấy một vài đoàn về kiểm tra dự án, nhưng chúng tôi chưa kịp phản ánh về sự yếu kém của chất lượng công trình thì họ đã vội vàng đi ngay. Kiểm tra theo kiểu chóng vánh, hời hợt như thế lấy đâu ra chất lượng công trình. Tiền của, công sức không được đầu tư một cách xứng đáng”, anh Thắng bức xúc nói.

Theo tìm hiểu, được biết Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông liên thôn xã Hồng Lộc - Phù Lưu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư. Với tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng từ nguồn: Xin hỗ trợ ngân sách Trung ương, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; kế hoạch trung hạn 2016 – 2020 và các nguồn vốn hợp pháp khác của chủ đầu tư.

Dự án do Công ty TNHH Vĩnh Phúc (trụ sở đóng ở xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh) là đơn vị thi công. Đơn vị giám sát là liên doanh giữa Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại Thành Lộc (địa chỉ tại số 295, đường Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh) và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng FOCESS (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Khiến người dân địa phương bức xúc.
 Khiến người dân địa phương bức xúc.

Dự án nhằm phục vụ việc đi lại của nhân dân, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển kinh tế, đồng thời phục vụ cứu hộ, cứu nạn di dân trong mùa mưa lũ, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, công trình mới được hoàn thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2019 nhưng chỉ trong thời gian ngắn, tuyến đường được đầu tư gần 60 tỷ đồng đã bộc lộ những yếu kém về chất lượng khiến người dân bức xúc.

Liên quan đến vấn đề trên, một cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà thừa nhận, một số đoạn đường xất hiện tình trạng nứt nẻ nghiêm trọng nhưng chưa rõ nguyên nhân. “Công trình đang trong thời gian bảo hành nên sắp tới chủ đầu tư sẽ yêu cầu đơn vị thi công là Công ty TNHH Vĩnh Phúc khắc phục, sữa chữa để đảm bảo chất lượng”, vị cán bộ này nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.