Bài 3: Doanh nghiệp suy sụp sau 3 năm lãnh đạo bị giam oan sai

GD&TĐ - Đã hơn 3 năm lãnh đạo Công ty Minh Hiếu bị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bạc Liêu cáo buộc phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tiền của Ngân hàng BIDV Bạc Liêu, để rồi đến nay Tòa Cấp cao tuyên hủy án vì không đủ căn cứ pháp lý. Cũng từng đấy thời gian, các lãnh đạo chủ chốt của công ty này bị bắt giam để phục vụ công tác điều tra, xét xử nên đã kéo theo biết bao hệ lụy của doanh nghiệp

Dây chuyền chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty Minh Hiếu phải "đắp chiếu" bởi đội ngũ lãnh đạo bị giam giữ oan sai.
Dây chuyền chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty Minh Hiếu phải "đắp chiếu" bởi đội ngũ lãnh đạo bị giam giữ oan sai.

Công nhân thất nghiệp, doanh nghiệp bê bết

Tính đến nay, đã hơn 3 năm lãnh đạo Công ty CP Thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu (Cty Minh Hiếu) bị các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bạc Liêu cáo buộc và bắt giam về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tiền” của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Bạc Liêu (Ngân hàng BIDV Bạc Liêu).

Từng là một doanh nghiệp lớn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, có lực lượng lao động hùng hậu với hàng nghìn công nhân, máy móc thiết bị hiện đại có trị giá hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, kể từ khi những người đứng đầu công ty bị bắt giam vì cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tiền” của ngân hàng, Công ty Minh Hiếu đã rớt xuống vực thẳm.

Có mặt tại Cty Minh Hiếu một ngày đầu tháng 10, PV Báo GD&TĐ ghi nhận hình ảnh đìu hiu tại doanh nghiệp này. Bên trong nhà máy, ở một dây truyền chế biến tôm chỉ còn khoảng gần 20 công nhân đang thực hiện công việc - vốn là dây chuyền chế biến từng có cả trăm người cùng đứng mỗi ca. Một số máy móc thiết bị đã từ lâu không hoạt động.

Chị Nguyễn Hồng Loan (SN 1973, trú tại xã Tân Phong, T.X Giá Rai) làm việc ở công ty này đã 6 năm nói với chúng tôi: “Lúc khó khăn, lương của công nhân đâu đó rồi cty cũng trả đường hoàng. Nợ tiền lương từ từ vẫn trả. Lúc trước cũng đông lắm, cả ngàn người giờ còn khoảng mấy trăm. Từ ngày lãnh đạo công ty bị bắt, dì Hạc cùng những lãnh đạo còn lại cũng cố gắng duy trì, thu nhập tiền lương cũng tạm ổn. Công ty xảy ra như vậy, mình cũng ráng ở lại góp sức tới giờ luôn. Đây là công ty lớn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nay bị sụp đổ nhiều rồi, rất tội nghiệp”.

Dây chuyền sản xuất tôm của Công ty Minh Hiếu vốn có hàng trăm người làm việc mỗi ca, nay chỉ còn một nhóm công nhân làm việc.

Dây chuyền sản xuất tôm của Công ty Minh Hiếu vốn có hàng trăm người làm việc mỗi ca, nay chỉ còn một nhóm công nhân làm việc.

Ông Hoàng Đình Tiến (43 tuổi, khóm 1, phường 1, Thị xã Giá Rai) cho biết: “Tôi làm công nhân ở đây 12 năm rồi. Trước đây khi chủ công ty chưa bị bắt, hoạt động của công ty rất tốt. Đến khi lãnh đạo công ty bị bắt, hàng ngàn công nhân thất nghiệp, người ta bỏ địa phương đi nơi khác kiếm sống. Chỉ còn khoảng bấy nhiêu người ở lại với công ty để giữ gìn tài sản, máy móc sản xuất nước đá đó trước để làm tôm, giờ phải mở hàng nước đá kinh doanh để trả lương cho anh em”.

Nói về hoàn cảnh bi đát của công ty Minh Hiếu lúc này, nhiều anh chị em công nhân cho rằng: “Lãnh đạo bị bắt giam, công ty thiệt hại dữ dằn lắm, người Giá Rai đang có công ăn việc làm ở địa phương giờ phải đi nơi khác kiếm ăn. Không sản xuất, giờ đây máy móc, dây chuyền chế biến xuống cấp hết cả, công ty càng ngày càng xuống cấp”.

“Tại sao công ty đang hoạt động mạnh lại bắt người ta. Doanh nghiệp ai chẳng phải nợ, chủ doanh nghiệp người ta vay ngân hàng thì người ta trả. Máy móc nhà xưởng còn đây, chủ công ty người ta đâu có chạy, giờ bắt nhốt hết ban lãnh đạo bấy lâu, thì đâu có sản xuất làm ăn để trả nợ vay được”…

Khu vực nhà ăn từng phục vụ hàng nghìn công nhân mỗi ngày, nay trở nên hoang phế.

Khu vực nhà ăn từng phục vụ hàng nghìn công nhân mỗi ngày, nay trở nên hoang phế.

Hình sự hoá quan hệ kinh tế 

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Luật sư Bùi Thị Hồng Giang – Giám đốc Công ty TNHH Luật Bùi Gia và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: “Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và tiếp xúc với bị cáo Ngô Chí Dũng tại cơ sở giam giữ, tôi nhận thấy có căn cứ để cho rằng phía Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã hình sự hoá quan hệ kinh tế giữa ngân hàng BIDV Bạc Liêu và Cty Minh Hiếu như nhận định của TAND Cấp cao tại TP.HCM trong phiên tòa Phúc thẩm ngày 27/2/2019”.

Theo Luật sư Giang, về bản chất, quyền và lợi ích  của các bên đã được giải quyết và đảm bảo bằng vụ kiện dân sự. Không thể cùng một nội dung vụ việc mà đồng thời có đến hai cách thức xử lý khác nhau, bằng hai vụ án khác nhau và theo hai quy trình tố tụng khác nhau. Trong khi đó, Quyết định giải quyết vụ việc tại TAND thị xã Giá Rai đã có hiệu lực pháp luật, Công ty Minh Hiếu đã và đang phải thi hành nghĩa vụ đối với ngân hàng BIDV Bạc Liêu.

Theo Kết luận giám định số 112 ngày 6/2/2017, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Bạc Liêu đã xác định: “Việc ngân hàng BIDV Bạc Liêu cho Cty Minh Hiếu vay là đúng đối tượng được phép cho vay, phù hợp với chủ trương của Nhà nước, quy định tại BIDV… Mặt khác, đến thời điểm hiện tại, tài sản đảm bảo, giá trị tài sản đảm bảo chưa được xác định cụ thể; chưa được xử lý để bù đắp các khoản vay cho BIDV Bạc Liêu nên chưa xác định được thiệt hại của BIDV”.

Như vậy, đến thời điểm khởi tố vụ án, tài sản đảm bảo, giá trị tài sản đảm bảo đủ để Cty Minh Hiếu thực hiện nghĩa vụ của mình đối với ngân hàng nên không có thiệt hại xảy ra. Phía ngân hàng BIDV Bạc Liêu không phải bên bị hại trong vụ án này – Luật sư Giang phân tích.

Vậy là lại có một vụ án oan mà cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Bạc Liêu đã gây ra cho doanh nghiệp, mà cụ thể là các cá nhân lãnh đạo Công ty CP Thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu.

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những thông tin về vụ án này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ