Pháp sẽ bắt đầu rút quân khỏi Niger trong tuần này sau cuộc đảo chính ở quốc gia Tây Phi này, đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực của các quốc gia phương Tây nhằm chống lại cuộc nổi dậy của người Hồi giáo kéo dài hàng thập kỷ ở khu vực Sahel.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu hoạt động rút lui quân trong tuần này, trong trật tự tốt, an toàn và phối hợp với người Niger.
Tuy nhiên, giờ đây chúng tôi đang phải đối mặt với thách thức tổ chức là phải rút lui nhanh chóng.
Chúng tôi sẽ cần được che chắn để rời khỏi các vị trí tiền phương, có thể bao gồm cả sự hỗ trợ trên không từ một lực lượng lớn hơn tại căn cứ không quân bên ngoài thủ đô Niamey”, Bộ chỉ huy quân đội Pháp cho biết trong một thông báo hôm 6/10.
Hoạt động hậu cần nhằm di chuyển 1.500 binh sĩ Pháp và một lượng lớn thiết bị quân sự ra khỏi Niger vào cuối năm nay diễn ra một tuần sau khi đại sứ Pháp rời Niger dưới áp lực từ chế độ quân sự mới, chế độ đã lật đổ tổng thống thân Paris, Mohamed Bazoum vào ngày 26/7.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẽ rút quân vì nước này sẽ không “bị những kẻ theo chủ nghĩa bạo lực bắt làm con tin”.
Thế lực thuộc địa cũ ở Niger tiếp tục ủng hộ Bazoum, và các quan chức ở Paris cho biết, không thể tiếp tục các hoạt động chung với lực lượng Niger chống lại quân nổi dậy khi những kẻ đảo chính đang điều hành đất nước. Ông Macron đã gọi chính quyền Niger là “đồng minh của sự rối loạn”.
Quân đội Pháp đã có mặt ở Niger trong khuôn khổ cuộc chiến rộng lớn hơn chống lại các phần tử thánh chiến trên khắp khu vực Sahel, trong đó Paris đi đầu trong các hoạt động chống lại quân nổi dậy Hồi giáo trong khu vực trong một thập kỷ.
Cuộc khủng hoảng ở Niger cho thấy đế chế của Pháp ở châu Phi cuối cùng cũng sụp đổ.
Quân đội Pháp ở Niger đã phải sống trong tình trạng bất ổn kể từ khi chính quyền bắt đầu yêu cầu họ rời đi, với nguồn cung cấp lương thực không đều đặn và các cuộc biểu tình chống Pháp liên tục diễn ra bên ngoài căn cứ Niamey.
Quyết định rút quân để lại một lỗ hổng trong nỗ lực của phương Tây nhằm chống lại cuộc nổi dậy của người Hồi giáo trong khu vực và giáng một đòn mạnh vào ảnh hưởng của Pháp, điều có thể cho phép Nga mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Cho đến cuộc đảo chính, Niger là đồng minh chủ chốt cuối cùng của phương Tây ở khu vực trung tâm Sahel, phía nam sa mạc Sahara.
Cuộc đảo chính được coi là mối đe dọa nghiêm trọng mới nhất đối với chiến lược của Pháp ở Sahel, sau khi một số cuộc đảo chính quân sự ở các nước khác đã buộc Paris phải suy nghĩ lại về sự hiện diện quân sự và sứ mệnh chống thánh chiến của mình.
Pháp lần đầu tiên triển khai quân chống lại các tay súng thánh chiến ở Mali vào năm 2013 dưới thời Tổng thống François Hollande – chính trị gia thuộc Đảng Xã hội, nhưng trong ba năm qua, một số cuộc đảo chính quân sự trong khu vực cũng như sự hiện diện liên tục của các chiến binh thánh chiến đã bộc lộ những hạn chế của chiến lược quân sự, buộc Pháp phải hành động thu hẹp quy mô hiện diện và tập trung nỗ lực vào Nigeria.