(GD&TĐ) - Phân luồng học sinh (HS) sau THCS, THPT đóng một vai trò rất lớn trong việc cơ cấu lại nguồn nhân lực, định hướng lại quy mô đào tạo và phát triển ngành nghề gắn với nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, với thực tế phân luồng còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa rõ nét ở nhiều địa phương trong những năm qua, việc TPHCM dự định triển khai mô hình phân luồng mới 9+5 mang lại nhiều hy vọng.
Phân luồng có chuyển biến nhưng chậm
Giờ học thực hành của HS TCCN |
Không thể phủ nhận công tác phân luồng HS sau THCS và THPT của TPHCM mấy năm gần đây đã có sự chuyển biến rất rõ nét. Với hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp phủ khắp quận huyện (TPHCM hiện có 65 trường TCCN, TC nghề cùng 24 trung tâm nghề) công tác phân luồng HS được ngành giáo dục TPHCM đặc biệt chú ý trong những năm qua.
Hằng năm, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các cơ sở tổ chức nhiều hoạt động phân luồng cho HS sau THCS và THPT. Ngày hội “Thanh niên với nghề nghiệp” được tổ chức trong nhiều năm qua có sự tham gia của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp… thu hút hàng chục ngàn lượt thanh niên, HS THCS và THPT mỗi năm đến để tìm hiểu các thông tin về tuyển sinh TCCN. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp phân luồng, gắn trường học với doanh nghiệp, giúp HS sớm tiếp cận với những hướng đi phù hợp cho mình, khi lực học không cao tại một số quận huyện (Q.6, Q.8, Tân Phú) đã tác động ít nhiều đến sự chuyển dịch trong nhận thức, định hướng theo học nghề của không ít HS.
Song song đó, nhiều quận, huyện bước đầu thành lập ban chỉ đạo phân luồng đến tận phường, tổ khu phố… để sớm định hướng và tư vấn cho HS THCS, THPT không theo nổi chương trình phổ thông chuyển sang học nghề, đồng thời cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng bổ sung luồng giáo dục nghề sau trung học. Tuy nhiên, khi nhìn thẳng vào hiệu quả của công tác phân luồng học sinh sau trung học, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá công tác phân luồng chưa thật hiệu quả. Công tác định hướng, tư vấn vẫn chủ yếu làm theo kiểu phân tiết và thời gian quy định (chưa thường xuyên), các trường nghề thì chưa có nhiều thay đổi trong tư duy phát triển và định hướng đào tạo gắn với nhu cầu thực tế, người học nghề ra vẫn khó xin việc…
Thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM: Năm 2011-2012 số HS tốt nghiệp THCS cả hai hệ là 78.045 thì đã có đến 68.456 em vào lớp 10 công lập và hệ bổ túc, chỉ có 8.301/9.589 em theo học TCCN, nghề, nghề ngắn hạn. Tương tự, HS sau tốt nghiệp THPT năm 2010-2011 của TPHCM là 63.909 thì số HS theo học ĐH-CĐ là 17.599 em, số HS vào học TCCN, TC nghề, nghề ngắn hạn là 18.965/46.542 em rớt ĐH-CĐ. Năm 2011-2012, TPHCM có 63.255 HS trong và NCL tốt nghiệp thì đến 19.644 em theo học ĐH- CĐ, chỉ có 14.522/43.135 em theo học hệ TCCN, TC nghề và nghề ngắn hạn.
Từ những số liệu thống kê trên, chúng ta có thể thấy số HS sau khi tốt nghiệp THCS và THPT vào TCCN, TC nghề và các cơ sở dạy nghề của TPHCM dù có tăng hàng năm, nhưng vẫn ở mức rất khiêm tốn. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM là do tư tưởng chuộng bằng cấp của phụ huynh và HS. Các chính sách, chủ trương về phân luồng chưa nhất quán, phương thức đào tạo GDCN ở các trường chưa phù hợp, cùng sự chồng chéo về quản lý Nhà nước (giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB&XH) khiến công tác phân luồng chưa mạnh và hiệu quả. Vì vậy, muốn phân luồng hiệu quả thì phải “đả thông” tư tưởng và nhận thức của phụ huynh thực hiện những chính sách đãi ngộ cụ thể và công tác đảm bảo “đầu ra” cho HS sau khi theo học nghề. Trong đó, việc nối kết các quận, huyện, DN với công tác phân luồng, song song với việc phát triển, nâng cao năng lực đào tạo nghề của hệ thống GDCN là giải pháp trọng tâm.
Mô hình 9+5, điểm đột phá giai đoạn mới
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết: Tỉ lệ phân luồng dự kiến từ nay đến năm 2020 của TP như sau: Dự kiến mỗi năm có khoảng 75.000 HS tốt nghiệp THCS. Sau khi tốt nghiệp số HS vào hệ THPT, GDTX là 70% và 30% vào GDNN (trong đó TCCN 15%). Sau THPT, mục tiêu đề án hướng đến là có 40% HS tốt nghiệp THPT vào CĐ, ĐH và 60% vào GDNN (trong đó TCCN 30%) trên tổng số khoảng 65.000 HS. Trong đó mô hình 9+5 được xem và kỳ vọng là một hướng đột phá trong công tác phân luồng của TPHCM.
“Mô hình 9+5 (của Nhật Bản) là một mô hình đã được triển khai và mang lại hiệu quả phân luồng rất lớn ở Nhật. Sự thành công của mô hình 9+5 không chỉ thỏa mãn được tâm lý được học lên cao của phụ huynh và HS, mà còn được nhìn nhận là một mô hình có tính tiếp nối, định hướng nghề nghiệp rất tốt cho HS. Với thực tế xã hội còn nặng nề định kiến bằng cấp như nước ta, việc HS tốt nghiệp THCS tham gia mô hình này không chỉ có cơ hội học lên cao, có một nghề để mưu sinh, mà còn giúp học sinh ý thức rõ năng lực thực sự của mình. Theo mô hình này, HS lớp 9 sau khi theo học 2 năm nếu không thể học lên tiếp thì cũng có một chứng chỉ nghề để đi làm, sau 3,5 năm thì có thể lấy bằng TCCN, TC nghề để đi làm, còn sau 5 năm thì có bằng CĐ. Đặc biệt, với mô hình này trong quá trình học, nếu HS có nguyện vọng học tiếp thì vẫn sẽ được học thêm văn hóa, song song với việc học nghề để thi tốt nghiệp THPT. Cho nên có thể nói đây là một mô hình sẽ mang lại hiệu quả phân luồng rất cao”- ông Thanh nói.
Đánh giá về mô hình phân luồng 9+5 mà TPHCM đang dự kiến thực hiện thí điểm tại một số trường hội đủ điều kiện (chương trình học, cơ sở vật chất), ThS. Châu Văn Dưỡng - hiệu trưởng trường TC Bách Khoa Sài Gòn cho rằng: Đây là một mô hình phân luồng phù hợp với thực tế hiện nay của nước ta. Bởi không không chỉ thỏa mãn được những kỳ vọng của phụ huynh và HS (được học lên), mà còn giải quyết được bài toán bế tắc trong công tác phân luồng nhiều năm nay. Tuy mô hình 9+5 không dành sân chơi cho các trường TCCN và chắc chắn các trường TCCN sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều khi các trường ĐH-CĐ tham gia vào mô hình đào tạo này. Nhưng nếu đánh giá một cách khách quan, có thể khẳng định nếu mô hình này sẽ giải quyết tốt bài toán phân luồng học sinh sau THCS cho TPHCM.
Bên cạnh việc triển khai mô hình tiên tiến 9+5, TPHCM cũng sẽ đồng thời thành lập Ban chỉ đạo phân luồng HS. Theo ông Thanh, việc có được Ban chỉ đạo sẽ giúp ngành GD (quận, huyện, trường) theo dõi sát sao bước đi trên con đường học vấn của từng HS để kịp thời tư vấn, động viên HS đi học nghề đối với những HS bỏ học giữa chừng… Từ đó, ngành giáo dục sẽ khảo sát nhu cầu nhân lực và định hướng phát triển đào tạo nhân lực theo khối ngành, đào tạo có địa chỉ và theo đơn đặt hàng. Trong đó, đặc biệt quan tâm giải quyết tốt việc làm cho HS tốt nghiệp hệ TCCN, TC nghề. Đồng thời yêu cầu mỗi trường phổ thông phải có ít nhất một giáo viên chuyên trách về hướng nghiệp, phải có phần mềm trắc nghiệm giúp HS định hướng nghề nghiệp, để công tác hướng nghiệp thường xuyên hơn.
Với dự thảo đề án mới trình UBND TPHCM, ngoài sự hỗ trợ trực tiếp cho người học, người dạy, các trường TCCN, TC nghề cũng buộc phải đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho HS, tăng cường các mối quan hệ với chính quyền và đoàn thể các quận, huyện nhằm điều tra, nắm bắt tình hình thực tế HS trên từng địa bàn để tạo chính sách khuyến khích, thu hút HS đến với bậc học này.
Ông PHẠM NGỌC THANH PGĐ Sở GD&ĐT TP.HCM |
Anh Tú