Theo lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục, trường chính Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) có cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy học, trong khi điểm lẻ ở cụm Thanh Nam đã cũ kỹ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Việc cho con em nghỉ học để phản đối sáp nhập trường là thiệt thòi với học sinh.
Nhiều lần phản đối sáp nhập điểm lẻ về trường chính
Những ngày qua, nhóm hàng chục người dân, phụ huynh điểm trường Thanh Nam (xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) cho con em nghỉ học và đưa theo xuống tập trung gần trụ sở UBND tỉnh Nghệ An để phản đối sáp nhập điểm lẻ về trường chính.
Theo đó, Trường Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) năm học này có hơn 600 học sinh với 20 lớp. Tuy nhiên, do địa bàn rộng nên lâu nay ở trường chính có 10 lớp, còn 2 điểm lẻ tại cụm Thanh Nam và Lam Thắng mỗi điểm 5 lớp.
Giữa tháng 4/2024, huyện Thanh Chương thực hiện sáp nhập điểm trường Thanh Nam (nơi học tập của học sinh các xóm Nam Phong, Nguyệt Bổng, Nam Thượng) về trường chính Tiểu học Ngọc Sơn, nhưng chưa được tất cả phụ huynh đồng thuận. Những người phản đối kéo nhau đi hơn 40km xuống thành phố Vinh, muốn “đối thoại” với lãnh đạo tỉnh với mục đích giữ lại điểm trường lẻ Thanh Nam.
Nhóm phụ huynh cho con em nghỉ học, tập trung gần trụ sở UBND tỉnh Nghệ An để phản đối việc sáp nhập điểm lẻ Thanh Nam về trường chính Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương). Ảnh: PT |
Lý do phụ huynh đưa ra là việc chuyển con em về trường chính khoảng cách xa nên bố mẹ, người thân phải đưa đón mỗi ngày 2 vòng đi về. Điều này khiến phụ huynh mất thời gian, không tập trung làm kinh tế.
Trước đó, từ năm học 2021-2022, huyện Thanh Chương bắt đầu lộ trình sáp nhập điểm trường lẻ Thanh Nam về trường chính Tiểu học Ngọc Sơn. Việc sáp nhập thực hiện đề án “Quy hoạch mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 – 2025” của huyện.
Tuy nhiên, năm 2022, phụ huynh chưa nhất trí với lý do cơ sở vật chất trường chính chưa được đầu tư đầy đủ, hiện đại hóa. Bên cạnh đó giao thông từ điểm lẻ Thanh Nam đến trường cũng còn vất vả.
Điểm lẻ Thanh Nam (Trường Tiểu học Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) hiện có 5 phòng học được xây dựng từ cách đây gần 50 năm. Ảnh: Hồ Lài |
Sau khi chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, lắng nghe nguyện vọng và đề xuất của người dân, thì việc sáp nhập điểm lẻ tạm dừng. Trong thời gian đó, địa phương tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất Trường Tiểu học Ngọc Sơn.
Đến tháng 8/2023, lãnh đạo xã Ngọc Sơn cùng đại diện các trường mầm non, tiểu học đã có cuộc họp làm việc với người dân cụm Thanh Nam để thông tin về lộ trình sáp nhập. Tại đây, xã đã thống nhất tháng 4/2024 khi cơ sở vật chất trường tiểu học hoàn thiện, 100% học sinh Thanh Nam chuyển về đây học tập. Đầu tháng 4, Trường Tiểu học Ngọc Sơn cũng đã tổ chức họp phụ huynh điểm Thanh Nam để thông báo chủ trương, thời gian chuyển học sinh về trường chính. Song khi sáp nhập vẫn tiếp tục vấp phải sự phản đối của một số người dân.
Đáp ứng yêu cầu dạy học toàn diện
Theo tổng hợp của Trường Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương), thực hiện sáp nhập, đã có 124 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 trên tổng số 152 của điểm trường Thanh Nam đến học tập bình thường. Có một số học sinh xin phép nghỉ học vì lý do sức khỏe, còn lại có 28 em chưa đi học vì phụ huynh phản đối.
Thầy Lưu Viết Tuyết – chủ nhiệm lớp 5C, Trường Tiểu học Ngọc Sơn lo lắng khi mới có 22/31 học sinh đến lớp. “Học sinh đi học tại điểm trường đều rất vui vì trường lớp khang trang, sạch đẹp, thoáng mát, có nhiều hoạt động tập thể sôi nổi với các bạn toàn trường. Tuy nhiên, với số em đang vắng học là thiệt thòi lớn, nhất là vào cuối học kỳ II, chuẩn bị kiểm tra khảo sát cuối kỳ. Nếu tình trạng tiếp diễn sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh và khi bàn giao chất lượng lớp 5 sang lớp 6”.
Giờ học của thầy trò Trường Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) tại điểm chính. Ảnh: Hồ Lài |
Thầy Bùi Xuân An – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sơn cũng chia sẻ: Khi sáp nhập về điểm trường chính, điều mong muốn lớn nhất của nhà trường là để học sinh có môi trường, điều kiện thụ hưởng các hoạt động giáo dục toàn diện. Đây cũng là chủ trương của huyện, của xã đã được thông qua và được phần lớn người dân, phụ huynh ủng hộ. Nếu phản đối và buộc con em nghỉ học, là vi phạm quyền trẻ em, quyền được học tập của học sinh.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, điểm lẻ Thanh Nam được xây dựng từ cách đây gần 50 năm, hiện có 5 phòng học đã xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục đã hư hỏng, mối mọt và đang phải gia cố tạm thời. Không gian trong các lớp học ẩm mốc, thiếu ánh sáng và ẩm thấp. Nếu tiếp tục dạy học tại đây sẽ không đảm bảo an toàn cho cả thầy lẫn trò.
Cơ sở vật chất tại điểm lẻ Thanh Nam cũ kỹ, xuống cấp, nhiều hạng mục đang được gia cố tạm, nguy cơ mất an toàn cho cả giáo viên và học sinh khi dạy học. Ảnh: Hồ Lài |
Thực hiện lộ trình sáp nhập, Trường Tiểu học Ngọc Sơn được tập trung nguồn lực đầu xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất. Hiện tại trường chính được xây mới thêm 6 phòng học cùng hệ thống cổng, sân trường, tường bao an toàn, kiên cố; nâng cấp 5 phòng chức năng, văn phòng trường. Bên cạnh đó trang thiết bị dạy học cũng được bổ sung mua sắm gồm 30 máy vi tính, 11 ti vi, 70 bộ bàn ghế… Về phía UBND huyện Thanh Chương cũng vận dụng các nguồn tài trợ ưu tiên đầu tư xây dựng sân cỏ nhân tạo cho học sinh của Trường Tiểu học Ngọc Sơn. Tổng giá trị đầu tư cho các dự án này hơn 8,8 tỷ đồng.
Về ý kiến phụ huynh đưa ra điểm trường chính cách xa điểm lẻ Thanh Nam, ông Thái Văn An - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho rằng lý do này không thỏa đáng. Khoảng cách từ các xóm Nam Phong, Nguyệt Bổng, Nam Thượng đến điểm trường chính xa nhất chỉ 3km. Giao thông cũng thuận lợi cho phụ huynh đưa con đi học với 3 trục đường bê tông và quốc lộ 46.
Cơ sở vật chất mới tại điểm chính Trường Tiểu học Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài |
Vị trí Trường Tiểu học Ngọc Sơn nằm trong quy hoạch vùng trung tâm giáo dục của xã, liền kề với trường THCS và mầm non. Đầu năm học 2023-2024, xã Ngọc Sơn cũng đã sáp nhập điểm trường mầm non Thanh Nam về điểm trường chính và được phụ huynh thực hiện nghiêm túc. Riêng đối với tiểu học, nhiều phụ huynh vẫn chưa ủng hộ.
Ông Trần Xuân Hà – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương cho hay, việc sáp nhập điểm trường Thanh Nam nhằm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, để học sinh được học tập tại phòng học đảm bảo an toàn, chất lượng. Đặc biệt là với học sinh từ lớp 3 đến lớp 5, môn Tin học và Tiếng Anh là bắt buộc. Việc sáp nhập cũng để địa phương tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy của trường.
Năm học 2023-2024, ngoài sáp nhập điểm trường Tiểu học Thanh Nam, huyện Thanh Chương cũng đã sáp nhập thêm 4 điểm trường khác. Trong đó có những điểm trường lẻ ở vùng miền núi khó khăn, nơi tái định cư của người dân vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ như: điểm trường Bản Muỗng, Nhạn Pá, Bản Hiển của Trường Tiểu học Hương Tiến (xã Ngọc Lâm); điểm trường Chà Coong của trường Tiểu học Kim Lâm (xã Thanh Sơn). Dù đưa học sinh về trường chính xa hơn so với điểm lẻ, song vì điều kiện học tập đầy đủ và tốt hơn, nên phụ huynh các nơi này đều đồng tình và thực hiện. Các trường sau sáp nhập đã nhanh chóng ổn định công tác dạy và học.