(GD&TĐ) – Trong bối cảnh kinh tế 2013 dự báo tiếp tục có những khó khăn song ngành Dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 18,8-19,3 tỷ USD (tăng 2 tỷ USD so với năm 2012) và tạo thêm 200.000 việc làm mới.
Theo Phó TGĐ Vinatex Lê Tiến Trường, năm 2012, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhiều quốc gia có mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm qua, dẫn đến nhập khẩu dệt may của các thị trường lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản đều tăng trưởng chậm lại, thậm chí giảm. Dẫn tới Vinatex gặp không ít khó khăn, nhưng ngành dệt may VN vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định và là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước.
Cứ 1 tỉ USD xuất khẩu tăng thêm của dệt-may sẽ tạo thêm được 100.000 chỗ làm mới |
Cụ thể, nhập khẩu dệt may vào thị trường Mỹ năm 2012 giảm 0,5% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9,2%, tại thị trường Hàn Quốc giảm 7% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9%, thị trường Nhật Bản còn tăng mạnh tới 17%... Điều này cho thấy dệt may Việt Nam ngày càng uy tín và có tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, nhờ đó, trong năm 2012 chúng ta đã phát triển thêm 1 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là Hàn Quốc.
Phó chủ tịch VITAS cho biết, trong năm 2013, để tập trung cho mục tiêu XK toàn ngành đạt từ 18,9 tỉ USD đến 19 tỉ USD, ngành dệt may đã đề ra nhiều giải pháp.
Theo đó, sẽ gia tăng đàm phán, thúc đẩy kí kết, xúc tiến thương mại; hoạch định các cụm công nghiệp cho ngành dệt may, ban hành chính sách thu hút đầu tư. Đồng thời tăng cường liên kết trong phát triển thời trang, và nguồn nhân lực...
Năm 2012, tỉ lệ nội địa hóa của dệt-may VN đã lên tới 47%, phần lớn người VN đã tín nhiệm dùng hàng VN. Năm 2013, dệt-may VN dự kiến vượt qua 50% nội địa hóa và đến năm 2015 phải trên 50%. Xét về năng suất lao động hiện nay của VN mới chỉ ở mức trung bình khá so với các nước xuất khẩu dệt-may lớn của thế giới. Nếu đi sâu vào cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất thì VN vẫn có cơ hội lớn trong việc giảm giá thành và tăng năng lực sản xuất.
Theo ông Trường thì cứ 1 tỉ USD xuất khẩu tăng thêm của dệt-may sẽ tạo thêm được 100.000 chỗ làm mới, năm 2013 với mục tiêu 19 tỉ USD (tăng trưởng 12%) thì ngành dệt-may sẽ tạo thêm được khoảng 200.000 chỗ làm mới. Trước đây, 1 tỉ USD có thể tạo ra được 120.000 đến 130.000 chỗ làm mới, nhưng hiện nay chỉ tạo được khoảng 100.000 chỗ làm do các chỉ tiêu năng suất được siết chặt với kim ngạch tăng từ 1,5 – 2 tỉ USD thì năm 2013, dệt-may sẽ tạo được tối đa là 200.000 chỗ làm mới.
Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 18,8-19,3 tỷ USD, tạo thêm 20 vạn việc làm mới, ngành Dệt may đang tiếp tục được kỳ vọng sẽ tận dụng thành công sự chuyển hướng đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu, tự tin đón đầu những cơ hội phát triển trong tương lai.
Hải Hà