Phải trả lại tiền nếu thu sai quy định

GD&TĐ - Mặc dù ngành giáo dục cùng các địa phương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh công tác thu, chi đầu năm học, nhưng tình trạng lạm thu vẫn tái diễn, gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và xã hội. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục vi phạm.

Phải trả lại tiền nếu thu sai quy định

Lạm thu tại hai thành phố lớn

Vừa qua, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công khai kết quả kiểm tra tại 4 trường học ở Hà Nội và Hải Phòng. Trong đó, các khoản thu được quy định và tổ chức thu không đúng quy định được liệt kê chi tiết.

Các trường bị kiểm tra lạm thu tại 2 thành phố này là: Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội; Trường Tiểu học Uy Nỗ (Đông Anh, Hà Nội); Trường THCS Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và  Trường Tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng).

Cụ thể, tại Trường Tiểu học Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội, đoàn kiểm tra phát hiện có 17 khoản thu tự nguyện. Trong đó nhiều khoản nhà trường đã quy định mức thu và tổ chức thực hiện không đúng.

Các khoản thu này gồm tiền học tiếng Anh không có yếu tố nước ngoài: 50.000 đồng/tháng, học tiếng Anh có yếu tố nước ngoài: 150.000 đồng/tháng; kỹ năng sống: 40.000 đồng/tháng, tiền lắp máy điều hòa: 1 triệu đồng/học sinh, tiền máy chiếu 500.000 đồng/học sinh...

Trong đó riêng tiền điều hòa trường chưa thực hiện thu, nhưng tiền máy chiếu đã thực hiện và thu và lắp đặt cho 8 phòng học của 8 lớp.

Tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội), đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhiều khoản thu tự nguyện thực hiện thu chưa đúng.

Ngoài ra, Trường còn có khoản thu tự nguyện đóng góp đầu năm 2017 - 2018 của 254 phụ huynh có con vào lớp 1 năm học 2017 -2018. Tổng mức là 408,3 triệu đồng, trong đó người nhiều là 5 triệu đồng, người thấp là 300.000 đồng.

Tại Trường THCS Minh Tân (Thủy Nguyên, Hải Phòng), đoàn kiểm tra phát hiện nhiều khoản thu sai như tiền vở viết 110.000 đồng, tiền vở bài tập thực hành 350.000 đồng, tiền đồng phục 750.000 đồng, tiền sửa chữa trong trường 300.000 đồng, tiền học thêm trên 3 triệu đồng, tiền quỹ hội khuyến học 300.000 đồng, tiền đề và giấy kiểm tra 120.000 đồng...

Tại Trường Tiểu học Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng) có khoảng 20 khoản thu tự nguyện khác nhau, gây bức xúc cho người phụ huynh.

Các khoản thu sai như ủng hộ cơ sở vật chất 1,3 triệu đồng (học sinh trái tuyến thu 1,5 triệu đồng). Tiền sách giáo khoa và đồ dùng học tập 805.000 đồng. Tiền trại hè 800.000 đồng. Tiền chuyên đề ngoại khóa và hoạt động sáng tạo 640.000 đồng. Tiền kỹ năng sống 1 triệu đồng. Tiền vận động ủng hộ hỗ trợ 500.000 đồng. Quỹ hội phụ huynh 500.000 đồng…

Trường cũng huy động lắp đặt hệ thống điện, đèn và quạt cho khu nhà mới và bàn ghế cho cho sinh lớp 1 với tổng số tiền trên 228 triệu đồng, trang bị 12 điều hòa với số tiền 110 triệu đồng.

Ông Tống Duy Hiến- Phó chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu đầu năm học cần sự quyết liệt không chỉ từ phía Bộ GD&ĐT mà còn phải từ chính các địa phương, các cơ sở giáo dục và từ từng phụ huynh, giáo viên.

Kết luận kiểm tra, thanh tra của Bộ sẽ đạt hiệu quả cao nếu các địa phương cùng vào cuộc và kiên quyết xử lý các vi phạm, trước hết là xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ xem xét sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT và các văn bản có liên quan đến thu chi đảm bảo thống nhất và phù hợp với thực tiễn thời gian qua.

Các địa phương cùng vào cuộc khắc phục tình trạng lạm thu

Ngay sau khi có thông tin về tình trạng lạm thu tại Trường THCS Minh Tân, UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với thầy Nguyễn Hữu Ðạt, Hiệu trưởng nhà trường để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thu các khoản thu đối với học sinh, có dấu hiệu vi phạm và báo cáo, thông tin thiếu trung thực.

Trong khi đó, UBND huyện An Dương thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý thu, chi và các khoản đóng góp của cha mẹ học sinh năm học 2017-2018; công tác quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại trường này.

Ðồng thời, huyện tổ chức cuộc họp chấn chỉnh và rà soát việc thực hiện thu, chi tại tất cả 54 trường học thuộc quản lý của huyện từ mầm non đến THCS.

Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, Trường tiểu học Ðặng Cương đã thu một số khoản không đúng quy định như: ủng hộ giáo viên lớp 1 tham gia dạy học trong dịp hè; ủng hộ cơ sở vật chất và câu lạc bộ hè năm 2017; học kỹ năng sống và học tiếng Anh có yếu tố nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan chức năng...

Quan điểm của hai huyện Thủy Nguyên và An Dương là yêu cầu các trường hoàn trả các khoản thu không đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, nhất là người đứng đầu.

Năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã có văn bản quy định, các trường học cần làm rõ ba nội dung thu để chuyển tải đến các phụ huynh học sinh, gồm: thu bắt buộc (học phí, bảo hiểm y tế); thu tự nguyện (bảo hiểm toàn diện, dạy thêm, học thêm, kỹ năng sống, ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, xã hội hóa giáo dục...); thu hộ (tiền mua sách giáo khoa, vở viết, đồng phục, quỹ lớp...).

Trong đó, các khoản thu tự nguyện như: mua bảo hiểm toàn diện, tiền dạy thêm, học thêm, kỹ năng sống, ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, xã hội hóa giáo dục..., học sinh có quyền không tham gia. Các trường không được thu gộp các khoản đầu năm học, mà chia thành nhiều đợt trong năm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Còn tại Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh đã thành lập đoàn kiểm tra và làm việc với Trường tiểu học Uy Nỗ. Sau kiểm tra, đoàn kết luận khoản tiền đầu năm mà Trường tiểu học Uy Nỗ thu bao gồm tiền mua điều hòa và máy chiếu là chưa hợp lý.
Phòng Giáo dục huyện Đông Anh đã chỉ đạo, yêu cầu Trường tiểu học Uy Nỗ tiến hành trả lại tiền mua điều hòa và máy chiếu cho các vị phụ huynh đã đóng góp.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố số điện thoại “đường dây nóng” từng quận, huyện, thị xã, để phản ánh các hiện tượng lạm thu đầu năm học 2017 - 2018, tại các trường học trên địa bàn.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã hành hướng dẫn công thu - chi trong các trường công lập, năm học 2017 - 2018. Theo quy định của Sở, thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về các khoản thu - chi sai quy định; để xảy ra tiêu cực trong thu hoặc ép buộc học sinh may (mua) đồng phục trái quy định.

Các cơ sở giáo dục phải trả lại tiền cho học sinh và phụ huynh nếu thu sai quy định. Đối với các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, thu theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh. Các đơn vị chỉ được vận động, thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp…

Ban Đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của học sinh hoặc gia đình học sinh các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện, như: bảo vệ nhà trường; trông coi phương tiện học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng giáo viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.