Phải thu thuế đối với người bán hàng qua mạng

GD&TĐ - Vừa qua, Cục Thuế TPHCM đã mời gần 13.500 tài khoản sử dụng Facebook bán hàng đến để kê khai thuế thì rất nhiều trường hợp không chấp hành. Điều này cho thấy, việc thu thuế bán hàng qua mạng hiện nay không phải là điều dễ dàng cho ngành thuế, khi mà việc thu thuế vẫn trông chờ vào sự tự nguyện và tính trung thực của cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng, chứ chưa có biện pháp kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với hành vi không kê khai nộp thuế.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Hiện nay, cơ quan quản lý khẳng định sẽ tính toán thu thuế không chỉ bán hàng trên Facebook mà cả trên các mạng xã hội như Zalo, Instagram, YouTube.... Thông tin trên đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận.

Nhiều ý kiến cho rằng việc thu thuế bán hàng qua mạng là vội vàng, thiếu khả thi; ý kiến khác đề nghị chưa nên thu thuế vì việc bán hàng qua mạng mới xuất hiện ở nước ta, nên tạo điều kiện để phát triển sau đó mới tính tới chuyện có thu thuế hay không?... Tuy nhiên, dù sớm hay muộn thì việc thu thuế đối với cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng là cần thiết nhằm góp phần tăng thu ngân sách, tránh thất thoát; đảm bảo sự bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế của các cá nhân, tổ chức khi kinh doanh nói chung và kinh doanh, bán hàng qua mạng nói riêng.

Vấn đề là, việc tổ chức thu thuế như thế nào? Làm sao kiểm soát được thu nhập, lợi nhuận của cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng? Cơ sở nào để tính thuế khi doanh thu bán hàng ít thể hiện trong hợp đồng, hóa đơn hoặc chứng từ thanh toán...

Cá nhân, tổ chức thường công khai sản phẩm trên mạng, người tiêu dùng có nhu cầu thì gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử để đăng ký; khi thỏa thuận xong việc mua bán, thì sản phẩm sẽ được gửi đến tận tay người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh, người mua hàng có thể thanh toán trực tiếp với người giao hàng, chuyển khoản hoặc gửi tiền thông qua bưu điện…

Do đó, cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng có thể sẽ giấu giếm, kê khai không trung thực dẫn đến cơ quan thuế không xác định rõ doanh thu để tính thuế nên hành vi trốn thuế thường xuyên xảy ra và rất khó phát hiện.

Muốn thu thuế đối với cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng cần phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh, nếu không sẽ không thể thực hiện được. Trước hết, cần quy định cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng bắt buộc phải đăng ký về loại hình, hàng hóa, sản phẩm kinh doanh, buôn bán qua mạng; phải công khai giá trị hàng hóa, sản phẩm và các giao dịch mua bán để làm cơ sở tính thuế; việc kê khai cần thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng và hàng năm; đây là nghĩa vụ bắt buộc của cá nhân, tổ chức khi bán hàng qua mạng.

Khi đã có quy định nhưng cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng không chấp hành việc đăng ký và khai nộp thuế thì cơ quan quản lý sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính; truy thu thuế đã trốn hoặc đề nghị khởi tố hình sự với hành vi trốn thuế nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đây là giải pháp lâu dài, căn bản để quản lý hiệu quả việc nộp thuế đối với các cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng.

 Bên cạnh đó, để bắt buộc cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng kê khai nộp thuế, có ý kiến đề xuất sẽ phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ để khóa tài khoản bán hàng của cá nhân, tổ chức nếu không kê khai nộp thuế nhưng đây là giải pháp không có tính ổn định và thiếu khả thi, bởi vì một cá nhân, tổ chức có thể thành lập cùng một lúc nhiều tài khoản Facebook, Zalo… để bán hàng, khóa tài khoản này thì sẽ “đẻ ra” tài khoản khác. Do đó, đây không thể là chế tài để răn đe, giáo dục và có tính bắt buộc đối cá nhân, tổ chức khi bán hàng qua mạng.

Để có thể thu thuế đối với cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng cần quản lý chặt chẽ các trang mạng, tài khoản có giao dịch, bán hàng; nắm rõ thông tin chủ tài khoản đó để vận động, yêu cầu kê khai số lượng hàng hóa, sản phẩm và doanh thu khi bán hàng.

Nếu doanh thu đến mức phải chịu thuế thì tiến hành thu thuế, nếu doanh thu chưa đến mức thu thuế thì không thu thuế nhưng vẫn có cơ chế để theo dõi và yêu cầu nộp thuế khi phát sinh doanh thu chịu thuế. Về lâu dài cần xây dựng các quy định cụ thể để quản lý cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng, kèm theo các chế tài xử lý mới có thể tiến hành thu thuế một cách đầy đủ và đồng bộ.

Đồng thời, khuyến khích cá nhân, tổ chức phản ánh các hành vi trốn thế khi bán hàng qua mạng để tiến hành kiểm tra và xử lý kịp thời. Mặt khác, ngành thuế cần phải có chính sách hỗ trợ đối với cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng trong việc kê khai nộp thuế một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí; khi thu thuế phải thực hiện công khai, minh bạch, nhất là đảm bảo sự công bằng giữa các cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng với nhau.   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.