Chưa nên thu thuế kinh doanh qua mạng xã hội

GD&TĐ - Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có nêu ý kiến của người có thẩm quyền đề xuất cần thu thuế khi bán hàng qua Facebook, Zalo, Instagram, YouTube... 

Chưa nên thu thuế kinh doanh qua mạng xã hội

Lý do là nhiều cá nhân, tổ chức có doanh thu cao qua việc bán hàng trên các mạng xã hội nhưng không đóng thuế, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách...

Tuy nhiên, việc thu thuế qua mạng xã hội không đơn giản, đòi hỏi có nhân lực, phương tiện để triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trong khi các trang mạng xã hội chỉ như một kênh rao vặt, không có chức năng mua bán, đặt hàng, thanh toán, quản lý đơn hàng nên việc quản lý và thu thuế là không thể được vì không có bất kỳ cơ sở pháp lý chứng minh người kinh doanh qua mạng có thu nhập, trừ khi họ bị bắt quả tang.

Việc thu thuế đối với tổ chức, cá nhân bán hàng qua mạng trong thời điểm hiện tại là chưa hợp lý, bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, việc bán hàng qua mạng ở nước ta mới chỉ xuất hiện thời gian gần đây, khối lượng, giá trị giao dịch không lớn so với các phương thức bán hàng, giao dịch khác nên lợi nhuận thu được không nhiều.

Trong khi đa số người dân nước ta chỉ mới làm quen với cách thức mua bán, giao dịch tiên tiến này, vì thế chưa nên vội vàng thu thuế. Bởi vì, như vậy sẽ sớm “bóp chết” cách thức mua bán, kinh doanh mới manh nha này.

Thứ hai, hiện nay Chính phủ đang khuyến khích, tạo mọi điều kiện để người dân, nhất là những người trẻ tuổi, mới ra trường và những người giỏi công nghệ khởi nghiệp.

Vì vậy, với ưu thế nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện, mạng xã hội là kênh khởi nghiệp khá phổ biến, được nhiều người lựa chọn, nếu thu thuế khi bán hàng qua mạng quá sớm chẳng khác nào “triệt” đường sống của những người khởi nghiệp.

Do đó, nếu tạo điều kiện cho hình thức bán hàng, kinh doanh này tồn tại sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm cho người dân, hạn chế thất nghiệp và giảm bớt gánh nặng xã hội. Thực tế kinh doanh qua mạng đang giúp nhiều người trẻ nghèo không có điều kiện có thể khởi nghiệp dễ dàng hơn.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam muốn kinh doanh, làm ăn hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn ra tầm thế giới thì Nhà nước cần tạo điều kiện họ sử dụng ưu thế của mạng xã hội trong kinh doanh, giao dịch.

Bởi vì, hiện nay sức mạnh “mềm” của đất nước, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Do đó, sử dụng mạng xã hội sẽ tiếp cận được khách hàng tốt hơn, tiết kiệm được chi phí, từ đó làm giảm giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ