(GD&TĐ) - Làm gì để có thể đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo? Đó là câu hỏi rất khó, nhưng không phải là không làm được. Vấn đề là làm sao tìm ra con đường tốt nhất, để chúng ta đến đích trong thời gian ngắn nhất.
Thực hành trên máy - yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng |
Xây dựng đội ngũ tốt là một trong những khâu then chốt trong quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục
Quản lý giáo dục được thực hiện thông qua hệ thống văn bản pháp quy và đội ngũ cán bộ điều hành. Bắt đầu là chủ trương, đường lối. Sau đó là hệ thống văn bản: Luật, Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn, Chỉ thị. Cán bộ lãnh đạo các cấp điều hành hệ thống giáo dục thực thi các văn bản để đảm bảo chất lượng đào tạo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong thời gian qua, chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ về phát triển giáo dục là đúng, các văn bản pháp quy đã tương đối đủ để các cơ sở sử dụng điều hành hoạt động giáo dục đảm bảo chất lượng. Song, vẫn tồn tại những bất cập: có học sinh, sinh viên, học viên ngồi nhầm lớp, tồn tại trường học không đủ điều kiện tối thiểu để triển khai hoạt động dạy học, tồn tại hiện tượng trường tuyển sinh với số lượng vượt xa khả năng đào tạo của mình. Vấn đề là còn một số người coi thường kỷ cương phép nước, cố tình không làm theo những quy định của Bộ, của Nhà nước. Số người này rải rác ở mọi nơi, mọi cấp.
Chúng ta chưa có những biện pháp chế tài đủ mạnh để giáo dục hoặc đưa số người này ra khỏi đội ngũ những người làm giáo dục. Tập trung đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, lựa chọn những người có đức, có kinh nghiệm và có khả năng làm công tác quản lý, xử lý kiên quyết những sai phạm, mạnh dạn đưa những người “không đạt chuẩn” ra khỏi ngành, đó là một trong những vấn đề cần đổi mới. Với chủ trương, đường lối và hệ thông văn bản như hiện có, nếu các nhà quản lý, các thầy, cô giáo thực hiện tốt pháp luật, nội quy, quy chế, tận tâm với với công việc, thì chất lượng đào tạo sẽ được đảm bảo và không ngừng nâng cao.
Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những sai phạm cũng là một khâu then chốt để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo
Lãnh đạo, điều hành – Thanh tra, kiểm tra là hai khâu chủ yếu trong họat động quản lý giáo dục. Thanh tra, kiểm tra có tác dụng nhắc nhở và bắt buộc mọi người thực thi những quy tắc, quy định đã được các nhà lãnh đạo đưa ra. Thanh tra, kiểm tra cũng là kênh phản hồi có hiệu quả để các nhà lãnh đạo điều chỉnh chủ trương, đường lối, ban hành văn bản, pháp quy hợp lý, kịp thời. Công tác thanh tra, kiểm tra làm không tốt, báo cáo không trung thực sẽ gây khó khăn cho việc lãnh đạo, điều hành.
Hiện tại lực lượng thanh tra giáo dục đang rất mỏng, nhưng lại làm công tác kiểm tra, đôn đốc là chính. Công tác thanh tra chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện chưa tốt. Hiện nay, nhiều nơi đang lẫn lộn công tác kiểm tra, đôn đốc với công tác thanh tra. Việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc mọi người làm đúng quy chế là của người quản lý, những người điều hành cơ sở giáo dục hoặc các hoạt động giáo dục. Nhiệm vụ của Lực lượng thanh tra là điều tra, xác minh xem cơ sở giáo dục, hoạt động giáo dục đã thực thi đúng quy chế hay chưa.
Ví dụ, việc triển khai Thanh tra ủy quyền của Bộ đến tất cả các điểm thi tốt nghiệp THPT là không cần thiết. Nên giao quyền chủ động điều hành họat động thi tốt nghiệp cho giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo. Với một vài người giám sát (chứ không phải là thanh tra) ở mỗi điểm thi, cũng không thể thay đổi được tình thế. Cũng như thế, việc bố trí các Tổ thanh tra, Thanh tra viên (thực chất là các cán bộ giám sát) tại tất cả các Hội đồng thi tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng là chưa hợp lý. Vô tình Thanh tra Bộ đi làm giám sát và cũng không đủ sức để làm hết công việc giám sát, một công việc thuộc chức trách của Chủ tịch Hội đồng thi. Theo tôi, không nên thanh tra trên diện rộng, mà chọn một vài điểm thi, tập trung lực lượng thanh tra theo dõi toàn diện, đảm bảo hoạt động thi, chấm thi đúng theo Quy chế. Điểm thi này được dùng làm chuẩn để đánh giá mức độ “nghiêm túc” của các điểm thi khác.
Làm như thế, thì Chủ tịch Hội đồng thi, điểm trưởng sẽ tự biết cách phải đảm bảo cho kỳ thi “diễn ra nghiêm túc, đúng Quy chế”. Tất nhiên, điều đó chỉ xảy ra, khi mà Bộ kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi, điểm trưởng, Chủ tịch Hội đồng thi có vi phạm Quy chế. Việc thanh tra phát hiện “có vi phạm Quy chế” nhưng lãnh đạo các cấp không xử lý kỷ luật đúng theo quy định có tác dụng rất xấu. Các đơn vị, cá nhân coi thường kết luận của thanh tra. Vô tình, lãnh đạo các cấp đã vô hiệu hóa công tác thanh tra, kiểm tra. Cần nghiên cứu đổi mới công tác thanh tra, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có sai phạm sẽ là liều thuốc tốt để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
Giờ thực hành luôn cần thiết đối với SV |
Tập trung quản lý tốt đầu ra là khâu then chốt nhất để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo
Chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục được thể hiện trên “sản phẩm” là công nhân kỹ thuật, cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo tại cơ sở. Hiện tại, chúng ta chưa có chuẩn chung để đánh giá chất lượng “sản phẩm” của các cơ sở đào tạo. Theo quy định, bằng tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy tập trung, hệ đào tạo vừa học vừa làm, hệ đào tạo từ xa có giá trị như nhau. Có nghĩa là chất lượng đào tạo của ba hệ này bằng nhau. Nhưng thực tế, chất lượng đào tạo của ba hệ có sự chênh lệch khá lớn.
Chúng ta phải làm gì để san bằng sự chênh lệch này, xóa đi mặc cảm của bằng tốt nghiệp hệ đào tạo từ xa? Mỗi năm, chúng ta tiêu tốn khá nhiều công sức và tiền của cho các kỳ thi tuyển sinh. Rồi phải lo xác định điểm chuẩn cho từng trường, từng ngành học, lo quy định học phí cho các loại trường, loại hình đào tạo. Bộ phải lo kiểm tra cơ sở vật chất, kiểm tra đội ngũ để phân chỉ tiêu tuyển sinh cho từng cơ sở đào tạo. Làm thế nào để tăng quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo.
Làm thế nào để đóng cửa các trường “không đủ điều kiện đào tạo”. Tôi đề xuất một ý tưởng, để mọi cùng người quan tâm tìm cách thực hiện. Ý tưởng khó thực hiện (nhưng không phải là không thực hiện được, ở một số nơi, một số ngành học đã thực hiện thành công), nếu thực hiện được thì mọi vấn đề nêu trên sẽ được giải quyết ổn thỏa. Ý tưởng đó là: chỉ cần quản lý tốt đầu ra là lập tức các cơ sở đào tạo sẽ phải quan tâm tính toán đến các điều kiện khác như đầu vào, cơ sở vật chất, đội ngũ và quá trình đào tạo của các trường. Người học sẽ tìm cơ sở đào tạo tốt nhất để theo học và chọn phương thức đào tạo (tập trung, tại chức, từ xa) phù hợp với khả năng tài chính và quỹ thời gian của mình. Sau đó đến các Hội đồng thi quốc gia, nộp lệ phí dự thi các học phần bắt buộc quy định cho từng ngành.
Khi có đủ các chứng chỉ cần thiết theo yêu cầu của ngành học, người học sẽ nộp lệ phí dự thi tốt nghiệp hoặc làm đồ án tốt nghiệp tại Hội đồng tốt nghiệp quốc gia. Hội đồng thi quốc gia, Hội đồng tốt nghiệp quốc gia sẽ được đặt ở các khu vực, tại các trường có uy tín lớn. Bộ tập trung nghiên cứu quy định các học phần cần thi quốc gia cho mỗi ngành, nội dung thi hoặc đồ án tốt nghiệp cho mỗi ngành. Các cơ sở đào tạo sẽ được tự chủ hoàn toàn, tự tìm cách phát triển, lôi cuốn người học để có thể tồn tại. Quản lý tốt các Hội đồng quốc gia, sẽ quản lý tốt được đầu ra, chất lượng đào tạo chắc chắn được đảm bảo và không ngừng được nâng cao.
PGS. NGUYỄN VĂN YẾN
(Trưởng ban Ban Thanh tra và Thi đua Đại học Đà Nẵng)