Các trường cần nghiêm túc tuân thủ những quy định về tuyển sinh (ảnh MH) |
1. Tuyển sinh dưới điểm sàn, khác khối, chấp nhận giấy gọi nhập học giả, hầu như không có cơ sở vật chất, chỉ có chưa đầy chục giảng viên cơ hữu, không hiệu trưởng, cũng chẳng có trưởng phòng đào tạo … Hàng loạt cái “không” của một trường đại học dân lập 6 năm tuổi đã làm bàng hoàng dư luận.
Bất chấp bằng mọi giá để tuyển sinh, mặc dù hầu như chưa có gì để đảm bảo hoạt động nhưng đến tháng 11/2012, Đại học Tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị cũng có được gần 250 sinh viên. Tuy nhiên, quá nửa trong số này được tuyển vào không đúng theo quy định. Trong số gần 700 sinh viên tuyển được trong 6 năm, có đến hơn 100 sinh viên không đủ điều kiện nhập học...
Trước hàng loạt các sai phạm, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Sở GD&ĐT Hà Nội về việc thanh tra ngôi trường nhiều “không” này.
Đoàn thanh tra liên ngành thành phố Hà Nội cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố kiến nghị đình chỉ hoạt động Trường Đại học Tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị Hà Nội. Cái giá mà trường phải trả quá đắt.
Tuy nhiên, trường đại học này chỉ là một điển hình. Mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều trường ngoài công lập bên cạnh việc “tung chiêu” bằng hàng loạt học bổng hấp dẫn đã dùng lợi thế ở một số ngành “hot” để hút thí sinh. Nên mới có chuyện, có trường số lượng sinh viên chủ yếu dồn vào một số ngành. Tính tổng chỉ tiêu tuyển sinh thì không vượt nhưng nếu tính riêng từng ngành thì có ngành quá thiếu, ngành lại quá thừa…
Có thể nói, trong khi các trường đại học dân lập hiện nay vẫn chưa thực sự khẳng định được chất lượng, thương hiệu, thì những trường “nhiều không”như ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, cũng như cách làm “ăn xổi” của một số trường khác lại một lần nữa làm lung lay niềm tin của xã hội đối với những cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Chính Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cũng thừa nhận, hơn 20 năm xây dựng và phát triển nhưng trên 80 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hiện nay vẫn chưa được xã hội vui vẻ hoan nghênh.
Lý do đưa ra, cũng là những bất cập còn tồn tại ở không ít trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hiện nay là mâu thuẫn về quyền lợi, nảy sinh mất đoàn kết; Một số trường, chủ đầu tư nắm quyền, các nhà giáo, nhà khoa học trở thành người làm thuê…
Có lẽ, đó cũng là lý do, tại sao mùa tuyển sinh 2013 với số học sinh dôi dư lớn như vậy nhưng nhiều trường ngoài công lập vẫn chật vật tuyển sinh. Như ở phía Bắc, số trường lượng tuyển vào tạm ổn chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại hầu như tiếp tục đón nhận mùa tuyển sinh thất bại.
Các trường đại học, cao đẳng muốn thu hút người học phải nâng cao chất lượng đào tạo |
2. Ghi nhận mấy mùa tuyển sinh gần đây, những sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đều thể hiện thiện chí đối với những trường ngoài công lập. Ví như kỳ tuyển sinh năm 2012, trước thực trạng trường ngoài công lập khó tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã kéo dài thời gian xét tuyển đến 31/11, tạo thêm cơ hội cho các trường này tuyển đủ người học.
Hoặc, quy định điểm nguyện vọng sau không cần cao hơn nguyện vọng trước, cốt sao không thấp hơn điểm sàn (năm 2012) cũng nhằm tạo thêm nguồn tuyển cho các trường ngoài công lập.
Tuy nhiên, kết thúc mùa tuyển sinh 2012, tình hình tuyển sinh khó khăn, các trường ngoài công lập lại cho rằng, những quy định trên khiến họ không tuyển được sinh viên. Bộ GD&ĐT đã tiếp tục chỉnh sửa quy chế; Rút ngắn thời gian xét tuyển đến hết tháng 10 và quay trở lại quy định “điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước”.
Mới đây nhất, Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nêu rõ: Có chính sách khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục và đào tạo trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người học, người sử dụng lao động và cơ sở giáo dục, đào tạo.
Tiến tới bình đẳng về quyền được nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với người học ở trường công lập và trường ngoài công lập. Từ đó, có thể thấy sự quan tâm rất lớn của Nhà nước cũng như của Bộ GD&ĐT đối với hệ thống các trường ngoài công lập.
Vấn đề bây giờ là sự nỗ lực của chính bản thân các nhà trường. Ngay cả những người trong cuộc cũng nhận thức rất rõ vấn đề này. Nói như Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam, ông Phan Trọng Phức, tuyển sinh là một cuộc chơi và các trường phải chấp nhận cuộc chơi theo đúng luật.
Hoặc, như TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen khi trả lời câu hỏi của một tờ báo “Làm sao để vượt qua khó khăn?” đã khẳng định: Chỉ có một câu trả lời là chăm lo cho chất lượng - Phải đi lên bằng chất lượng và uy tín.
Sau ngày cuối chốt lịch tuyển sinh năm 2013, đại diện nhiều trường ngoài công lập đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép được tuyển sinh đợt tiếp theo - kỳ tuyển sinh mùa xuân. Nhưng kể cả có được đồng thuận phương án này, các trường ngoài công lập cũng không thể chắc mình vớt vát thêm được thí sinh.
Bởi nếu các trường chưa tự khẳng định được chất lượng, chưa tạo được niềm tin đối với người học thì không thể kéo người học về với trường, dù có được tuyển sinh bao nhiêu đợt trong năm chăng nữa. Hoặc, nếu có dùng cách nọ, cách kia để sinh viên vào trường, thì họ cũng sẽ dứt áo ra đi vì không đáp ứng được mong mỏi có một môi trường đào tạo thực sự “đại học”. Và, sự thật này, chắc chắc nhiều trường đã nếm trải.
Tuệ Minh