Phải đảm bảo đủ phương tiện cho hành khách về Tết

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đến tối 30 Tết, dù chỉ còn 1 - 2 hành khách cũng phải bố trí phương tiện để hành khách được về quê ăn Tết.

Phải đảm bảo đủ phương tiện cho hành khách về Tết

Trong chuyến thăm, chúc Tết tại các bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát ngày 25/1, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác kiểm soát vé và giải tỏa khách, đảm bảo an ninh, trật tự trong và ngoài bến.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, các bến phải đảm bảo không để hành khách thiếu xe về ăn Tết, xe phải xuất bến đúng giờ và không chèn ép khách.  

"Đến tối 30 Tết, dù chỉ còn 1-2 hành khách cũng phải bố trí cho được phương tiện, không để hành khách vì thiếu phương tiện mà không được về quê ăn Tết" - Ông nhấn mạnh.

Từ sáng sớm 25/1 (tức ngày 25 Tết) tại các bến xe khách Nước Ngầm và bến xe khách Giáp Bát tấp nập các chuyến xe đón khách về quê ăn Tết Nguyễn đán Giáp Ngọ.

Dù khá đông hành khách nhưng nhìn chung tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, không thấy cảnh chen lấn xô đẩy mua vé. Các tuyến xe được phân luồng rõ ràng, việc trả - đón khách nên ít xảy ra ùn tắc trong bến.

Chị Nguyễn Thị Thanh (quê huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết: Năm nay về quê sớm nên chị mua vé tại bến chứ không phải bắt xe dọc đường như mọi năm. Theo chị Thanh, công tác phục vụ tại bến xe khách Nước ngầm khá tốt và thuận tiện.

Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển ngành nước và môi trường - đơn vị quản lý điều hành bến xe Nước Ngầm cho biết, sau khi mở rộng bến xe vào tháng 1/2014, khả năng tiếp nhận xe của bến được nâng lên 700 đến 800 lượt xe/ngày.

Bến có 46 tuyến vận tải khách và 92 đơn vị vận tải đi các tỉnh và quốc tế; trong đó chủ yếu là đi các tỉnh phía Nam.

Đây là bến xe đi đầu trong việc xã hội hóa đầu tư, trong khu vực bến xe không có bán hàng rong và không có “cò mồi” lôi kéo hành khách.

Theo số liệu của bến xe khách Nước Ngầm, từ 16 giờ ngày 24/1/2014, lượng khách đã về bến nhiều hơn, tỷ lệ phương tiện xuất bến đủ ghế từ 90 - 100%, đến 18 giờ 30 ngày 24/1 mới phải huy động một xe tăng cường.

"Tình trạng quá tải khó xảy ra ở các bến xe trong dịp Tết này do người dân được nghỉ trước Tết dài hơn nên mật độ tham gia giao thông giãn ra, không quá tập trung vào ngày giáp Tết nên nhiều khả năng sẽ không tăng đột biến" - Ông Lập nói.

Trước ý kiến dư luận phàn nàn chậm giờ, thiếu vé, chèn ép khách cũng như tình trạng xe dù, xe cóc hoạt động quanh bến xe gây phiền phức cho người dân, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội - cho biết đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cùng các bến xe tăng cường kiểm tra, kiểm soát các xe ra, vào bến.

Các bến xe có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, thanh tra giao thông để ngăn chặn các hiện tượng trên.

"Giờ xe chạy được kết nối trên hệ thống điện tử, đồng thời bảo vệ cũng có sẵn bản sơ đồ xuất bến và dừng xe nên khó xảy ra tình trạng lộn xộn, chậm giờ. Các xe khác muốn đón khách nếu được sự đồng ý của bến xe thì sắp xếp vị trí khác để chờ.

Ở bến chúng tôi đều có tổ thanh tra, công an kiểm tra thường xuyên ngăn chặn xe cóc, xe dù. Nếu có hiện tượng trên trừ khi các xe này chạy xa bến" - Ông Nguyễn Văn Lập cho biết thêm.

Ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - dự kiến, thời gian cao điểm giáp Tết lượng khách qua bến sẽ tăng khoảng 30 - 50% so với ngày thường. 

Lượt xe dự kiến tại các bến trên cũng dự kiến tăng gần gấp rưỡi so với ngày thường. Với tình hình hoạt động hiện tại của các phương tiện vận tải trên các bến thì về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, căn cứ vào lưu lượng khách dự kiến dịp Tết tại ba bến xe khách Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Transerco cũng chỉ đạo các bến tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách, kiểm tra phương tiện, người lái khi xuất bến.

Tại các bến xe tăng cường thời lượng phát thanh, thông báo kịp thời về hoạt động vận tải của các phương tiện trên bến cho hành khách biết, tránh gây lộn xộn trên bến khi xảy ra hiện tượng tắc đường xe về bến chậm.

Ngoài ra, trong và sau Tết, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Bến xe Hà Nội cũng bố trí thêm 46 xe buýt, taxi đón khách di chuyển từ các tỉnh vào nội đô. Các tuyến phía Nam từ Đà Nẵng trở vào cũng tăng cường lượng xe phục sau Tết.

Tại Thái Nguyên, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, ngoài việc duy trì 109 tuyến với 430 lượt xe xuất bến hàng ngày, đi đến 32 tỉnh, thành trong cả nước, Bến xe khách Thái Nguyên đã huy động thêm khoảng 100 lượt xe/ngày. Đây là lượng xe dự phòng của các doanh nghiệp vận tải, xe chạy hợp đồng.

Ngoài ra, vào những ngày cao điểm, Bến xe khách phải huy động thêm các xe ở tuyến ít khách sang chạy cho những tuyến đông khách như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La, Hà Nội…

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tại Bến xe khách Thái Nguyên tăng đột biến so với ngày thường. Số hành khách tăng lên khoảng 10.000 - 12.000 lượt người/ngày, trong khi ngày thường chỉ có khoảng 5.000 - 6.000 lượt người/ngày.

Do chuẩn bị tốt các khâu phục vụ hành khách từ bán vé đến điều xe xuất bến, nên mặc dù số lượng hành khách tăng đột biến nhưng Bến xe khách Thái Nguyên vẫn đảm bảo việc sắp xếp hợp lý các vị trí đón, trả khách trong khu vực bến xe; niêm yết giá vé các tuyến để hành khách biết và kiểm tra việc thực hiện giá vé của lái, phụ xe…

Ngoài ra, Bến xe khách Thái Nguyên còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng nhằm giữ gìn, bảo đảm công tác trật tự an ninh, phòng chống cháy, nổ tại khu vực bến xe.

Việc tăng cường xe phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán tại Bến xe khách Thái Nguyên sẽ kéo dài đến hết ngày 14/2, tức ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Ngọ.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.