Phải biết trân trọng chính mình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Em rủ rỉ với tôi bằng vẻ trầm buồn: “Em sẽ làm tất cả để sau này cho ba mẹ em, các chị và em trai em có được cuộc sống đề huề, sung sướng, chứ không phải khổ cực như hiện tại. Còn em thì… sao cũng được”.

Phải biết trân trọng chính mình

Làm bạn với một người luôn nghĩ và sống cho người khác như em, tôi có thể cảm nhận được điều em nói hoàn toàn là thật. Thế nhưng “Khi em chưa trân trọng chính mình thì làm sao có thể lo được cho người khác…”. Tôi nhẹ nhàng cắt nghĩa giúp em hiểu.

Trân trọng chính mình là chấp nhận, tin tưởng, yêu thương con người thật với những ưu khuyết điểm, không để cho bản thân phải chịu đựng hoặc rơi vào hoàn cảnh tồi tệ. Trân trọng chính mình là luôn dành những điều tốt đẹp nhất, hướng bản thân đến cuộc sống lành mạnh, tích cực. Đời người, quan trọng nhất chính là bản thân. Khi biết trân trọng bản thân, chúng ta sẽ biết trân trọng hơn những gì đang có.

Trân trọng chính mình là yêu thương cả tâm hồn và cơ thể mình. Có ai đó đã nói rằng: Nếu như tâm hồn là gốc rễ, là nơi ẩn chứa tâm tư, nghĩ suy thì cơ thể lại là ngôi nhà, là nơi an trú của tâm hồn, là phương tiện để bạn trải nghiệm thế giới muôn sắc, muôn vẻ ngoài kia.

Một khi chúng ta nhận ra việc yêu thương, trân trọng bản thân là cần thiết, mỗi người sẽ biết quý trọng và dành thời gian quan tâm, hiểu rõ bản thân cần gì, muốn gì, từ đó sẽ biết cách tự tạo ra giá trị cho chính mình.

Khi bắt đầu cuộc sống mới với tổ ấm gia đình nhỏ của mình, chị bạn của tôi cũng từng tâm niệm, niềm hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ có lẽ là sống và hi sinh tất cả cho gia đình. Mỗi ngày, ngoài công việc cơ quan, chị chỉ biết đến việc nhà, đến nỗi chẳng có lấy chút thời gian cho riêng mình.

Trông chị ngày càng gầy sọp, mệt mỏi thay vì rạng ngời, tươi tắn như trước kia. Nhưng rồi một ngày, chị nhận ra rằng: “Cần phải dành thời gian cho cả chính mình. Phải biết yêu thương mình trước mới có thể yêu thương người khác”.

Tôi có cô bé học trò, em luôn tự ti mặc cảm về bản thân. Em tự so sánh với anh chị em trong gia đình; với những bạn bè, mọi người để thấy mình chỉ toàn thua thiệt, khuyết điểm, bất hạnh. Em luôn nhìn chính mình bằng đôi mắt của người khác, em chán ghét tất cả những gì thuộc về bản thân.

Nhiều khi, em ước mình không có gia đình, không được sinh ra và tồn tại trên cõi đời này. Nhưng rồi em cũng nhận ra, chỉ có em mới hiểu được chính mình rõ nhất. Và em đã chấp nhận con người thật của mình, thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng lạc quan, tích cực để sống an vui, yêu đời.

Cuộc sống muôn màu và luôn chứa đựng những nghịch lý. Chúng ta không có quyền kiểm soát hay bắt ép người khác yêu thương, nói tốt hay ghét bỏ, nói xấu mình. Chúng ta cũng không sống để thực hiện ước mơ của người khác hay ngồi chờ đợi ai đó đến trân trọng mình.

Điều quan trọng là “Dù ai nói ngả nói nghiêng”, mình hãy cứ vững niềm tin chứng minh cho họ thấy điều mình làm là đúng. Phải trân trọng chính mình, chủ động quyết định cuộc đời mình thay vì phụ thuộc vào người khác, chịu sự chi phối hoặc đổ lỗi cho người khác, chúng ta sẽ có được những cơ hội và thành công.

Cuộc sống hiện nay vẫn còn rất nhiều người, thay vì biết trân trọng bản thân, lại đã và đang không biết hoặc biết nhưng thờ ơ, buông xuôi, vô cảm với chính bản thân mình.

Cũng có người lại tự đánh giá thấp bản thân mình, đứng trước mọi người với tâm lý nhún nhường, thấy mình nhỏ bé hoặc vô dụng. Có nhiều người lại “đứng núi này trông núi nọ”, lấy tiêu chuẩn, thước đo của người khác làm chuẩn mực cho mình thay vì cảm thấy may mắn, hạnh phúc với những điều bản thân đang có.

Chỉ đến khi trải qua đau khổ, vấp ngã; chỉ đến khi chênh vênh, mất điểm tựa; chỉ đến khi mệt mỏi, thất bại,… họ mới nhìn lại mình và nhận ra, việc trân trọng bản thân là cần thiết hơn bao giờ hết.

“Đừng làm mòn giá trị của bản thân bằng việc so sánh mình với người khác, bởi mỗi người trong chúng ta đều là một sự khác biệt”. Hãy luôn đối xử tốt với chính mình, trân trọng chính mình, vì ai cũng xứng đáng được như thế!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thường xuyên chấm bài và soạn giáo án điện tử, mắt của cô Nguyễn Thị Mai Hương mờ, yếu và tăng độ.

Cách bảo vệ mắt hiệu quả

GD&TĐ - Khi nhắc đến bệnh nghề nghiệp của giáo viên, nhiều người thường nghĩ đến: Khàn giọng, mất tiếng, viêm thanh quản, giãn tĩnh mạch chân do đứng nhiều.