“Phá sản” kế hoạch chinh phục mẹ chồng

GD&TĐ - Cũng như bao cô gái khác, Mai lấy chồng rồi chấp nhận "khăn gói" về nhà chồng ở. Nàng dâu mới về nhà chồng phải đối diện với biết bao thử thách, Mai phải tự điều chỉnh nhiều thói quen để thích nghi nếp sống hoàn toàn khác biệt với nhà mình, phải chấp nhận cảm giác cô đơn, hụt hẫng khi về ở hẳn một gia đình khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời gian đầu, Mai cố gắng hết sức để gần gũi với mẹ chồng, cô chỉ mong mẹ chồng đáp lại tình cảm của mình bằng hành động chia sẻ, cảm thông và đôi khi có thể tỉ tê với cô như mẹ đẻ.

Thời gian Mai bị ốm nghén, mệt mỏi kéo dài khiến đôi lúc cô không giữ được "phong độ" như mọi khi, không thể vuông tròn mọi việc trong nhà, kể cả cách ứng xử với mẹ chồng. Vì điều này mà không ít lần cô bắt gặp những cái lắc đầu, những tiếng thở dài nhè nhẹ của bà.

Rõ ràng bà không hài lòng về nàng dâu nhưng vì lý do gì thì bà nhất định không chịu nói ra.

Sau giai đoạn ốm nghén, Mai quyết tâm lấy lòng mẹ chồng, mong bà yêu thương mình như những ngày đầu về làm dâu, hai mẹ con từng rủ rỉ nhiều chuyện.

Kế hoạch đầu tiên Mai triển khai là tự động đưa thêm tiền ăn để mẹ chồng rủng rỉnh đi chợ. Mai nghĩ việc làm của mình lúc này hoàn toàn đúng đắn vì một phần các nguồn thu khác của gia đình phải tập trung cho cô em chồng đang học đại học.

Thế nhưng không hiểu sao, thái độ của mẹ chồng không hề thay đổi, thậm chí bà còn "đăm đăm" hơn cả trước kia. Một lần vô tình ngồi buôn chuyện với cô chồng, Mai mới "ngã ngửa" khi biết được ý nghĩ thực sự của mẹ chồng. Bà cho rằng cô chi thêm tiền ăn chỉ vì nghĩ rằng bữa cơm dành cho bà bầu phải "tươm tất" hơn. Việc cô đưa thêm tiền không khác gì "nhắc nhở" mẹ chồng. Điều đó khiến bà bực mình.

Không dám đem chuyện này thanh minh với mẹ chồng vì cô chồng bảo phải "giữ bí mật", Mai chỉ biết tâm sự với chồng. Anh bảo: "Em đừng quan trọng hóa vấn đề, thực ra mẹ là người rộng lượng, bà không hay để ý chuyện vặt vãnh đâu". Tạm tin lời chồng, Mai cố gắng "chịu oan" và tiếp tục công cuộc chinh phục tình cảm mẹ chồng. Mục tiêu trước mắt vẫn là coi mẹ chồng như mẻ đẻ.

Mai biết để chinh phục được mẹ chồng thì bản thân cô phải cố gắng để luôn sống có trách nhiệm, dần dần bồi đắp tình cảm. Kế hoạch lần này của cô là mở lòng mình, thoải mái và hồn nhiên như đang sống cùng mẹ đẻ.

Thế nhưng chỉ vì một lần cô hồn nhiên dán tờ giấy trước cửa: "Phòng con lau rồi mẹ ạ!", không quên vẽ thêm mặt cười bên cạnh, để mẹ chồng biết khỏi phải lau, lại khiến cho bà khó chịu, tức tối hơn.

"Ca" này có vẻ nghiêm trọng nên bà không nhịn mà... góp ý ngay với con trai. Vì chuyện này mà Mai và chồng hơi to tiếng với nhau. Anh thì một mực khẳng định: "Anh là con trai mẹ mà chưa bao giờ dám hỗn với mẹ như thế, nữa là em". Thấy từ "hỗn" có vẻ hơi quá để nói về hành động của mình, Mai ra sức cãi: "Em hay quên, mới lại không muốn mẹ mất công lau lại phòng nên mới làm vậy chứ có ý gì đâu. Anh đang làm mọi chuyện phức tạp lên rồi đấy!".

Có vẻ từ sau "vụ" đó, mẹ chồng càng "để ý" Mai và sẵn sàng bắt lỗi bất cứ lúc nào. Ngày trước bà luôn nói sẽ công bằng, coi con dâu như con gái nhưng hình như đó chỉ là lời nói suông bởi con gái "rượu" của bà hay đi chơi về muộn, không bao giờ tâm sự chia sẻ với bà, sỗ sàng với bà trong bữa cơm... thì với bà, điều đó hết sức bình thường.

Còn Mai thì, dù chỉ là một lỗi bé tí cũng bị cho là vô lễ, không ra gì! Ở cái nhà này, Mai thậm chí chẳng dám hé răng trách móc chồng nửa câu vì ngay lập tức sẽ có người "bảo vệ" chồng và cho rằng mình láo.

Mai thở dài khi nghĩ về quãng đường dài phía trước, cô sẽ chống chọi ra sao khi mẹ chồng chẳng bao giờ chịu nhìn ra ý tốt và tình cảm thực sự của mình. Có lẽ cô đã nhầm, mẹ chồng vẫn cứ là mẹ chồng thôi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.